Bạn đang ở đây

Chuyện chiếc nhẫn trinh tiết...

"Còn thì đeo, mất thì tháo - thiên hạ biết tỏng tòng tong còn mình cùng chiếc nhẫn thì vô tình trở thành đề tài bàn luận sôi nổi rồi”.

 

 

Cách đây không lâu, tôi có đọc vài bài báo viết về xu hướng khá mới lạ của các bạn trẻ hiện nay, đó là đeo nhẫn trinh tiết như một lời cam kết giữ gìn cho nhau trước hôn nhân. Tại thời điểm đó, sở hữu một chiếc nhẫn trinh tiết là khá rắc rối và tốn kém: Bạn phải đặt hàng qua các trang mua bán ở nước ngoài và chờ chuyển về Việt Nam, chưa tính phí vận chuyển thì giá trị của nó cũng lên đến gần nửa triệu.

Nhẫn trinh tiết và những câu chuyện xung quanh nó vẫn chưa hề "hạ nhiệt"...

 

Tuy nhiên, trước “cơn sốt” này, các cửa hàng trang sức ở Việt Nam cũng nhanh chóng nhập cuộc, nhận gia công và tung ra thị trường nhiều loại mẫu mã, đủ các kiểu thể hiện trinh tiết khác nhau theo ý khách hàng. Điều này đã giúp cho các bạn trẻ sở hữu chiếc nhẫn dễ dàng hơn và những xôn xao về nó vẫn chưa hề “hạ nhiệt”.

Cùng chúng tôi lắng nghe những ý kiến chia sẻ xung quanh chiếc nhẫn “lạ” này nhé!

Những cô nàng tự hào khi đeo nhẫn…

T. Anh, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã đeo nhẫn trinh tiết được hơn 2 tuần. Từ khi mới đặt đặt hàng ở một tiệm bạc quảng cáo trên mạng cho đến tận bây giờ, cô nàng luôn tỏ ra thích thú và đi khoe mọi lúc mọi nơi. Khi được tôi hỏi thăm về chiếc nhẫn, T.Anh hào hứng trả lời: “Mình cảm thấy việc đeo chiếc nhẫn này rất là thú vị nhé! Nó giúp cho mình tự hào về bản thân hơn vì hầu hết các cô gái bây giờ chả mấy ai còn trinh trắng. Thậm chí có người còn ghen tị với mình nữa cơ. Chính vì vậy mà dù đắt một tí mình vẫn cố gắng sắm cho bằng được. Chỉ tiếc là người yêu của mình thì chối đây đẩy vì đã trót “vượt rào” với mối tình đầu của anh ấy”.

 

Người ta nói chiếc nhẫn này gắn với lời thề, nếu ai vi phạm thì phải tháo bỏ nếu không thì sẽ phải nhận hậu quả đáng tiếc

 
Cũng chẳng ở đâu xa, cô em họ của tôi vừa bước vào năm thứ 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nâng niu chiếc nhẫn trinh tiết được bạn trai tặng như một niềm tự hào: “Anh ấy thương em lắm, bảo với em là hai đứa sẽ giữ gìn cho đến lúc kết hôn. Chị nghĩ xem bây giờ còn được mấy chàng biết nghĩ cho người yêu như thế. Em còn nghe người ta nói chiếc nhẫn này gắn với lời thề, nếu ai vi phạm thì phải tháo bỏ nếu không thì sẽ phải nhận hậu quả đáng tiếc”.

Nhìn ánh mắt lấp lánh của T. Anh và cô em họ khi kể về chiếc nhẫn, tôi cảm thấy dường như họ đang rất “quyết tâm”. “Mỗi khi nhìn vào chiếc nhẫn này, mình đều tự dặn lòng phải giữ gìn trinh tiết cho bằng được” - T. Anh nói.

Những anh chàng với ý kiến trái chiều…

Không chỉ riêng các bạn gái, những chàng trai cũng khá quan tâm đến chiếc nhẫn này. Tuy nhiên, quan điểm của mỗi người lại khác nhau và không phải không có cái lý của họ…

Tôi thấy đeo nhẫn trinh tiết là rất hay. Với lối sống thoáng và có phần “buông thả” như hiện nay thì những bạn gái đeo nhẫn trinh tiết khiến tôi rất khâm phục. Họ có ý thức chứng minh cuộc sống lành mạnh của mình, đồng thời cũng nhắc nhở cánh mày râu chúng tôi nên tôn trọng vấn đề tình dục và biết giữ gìn cho bạn gái. Bản thân tôi cũng đang đeo cặp nhẫn trinh tiết với người yêu của mình. Chúng tôi luôn nhắc nhau đừng để mình bị cám dỗ bởi những cám dỗ nhất thời của tình dục” - H. Trí (Kỹ sư điện tử) chia sẻ với chúng tôi.

Những người tán đồng với quan điểm của H. Trí chiếm 1/3 trong số các anh chàng mà chúng tôi khảo sát. 2/3 còn lại cho rằng: Tại sao phải đeo chiếc nhẫn đó nhỉ? Thật là hình thức! Mua nhẫn cặp đeo cùng nhau nghe còn hợp lý, sao lại cứ cố gắng thêm vào hai chữ “trinh tiết” vào làm gì?

 

Mình không vì một chiếc nhẫn có tên “trinh tiết” mà tôn trọng hay coi thường một cô gái

M. Hùng (27 tuổi) bày tỏ: “Nói thật, mình không thích những thứ màu mè vậy. Các cô gái đeo nhẫn trinh tiết trên tay thì đồng nghĩa với việc họ còn trinh? Không chắc đâu bạn ạ. Tôi quen rất nhiều cô, rõ ràng là “mất” mà miệng cứ bô bô bảo “còn”. Tuy chẳng có ác cảm nhưng tôi vẫn không tránh được cái suy nghĩ là các cô đang ngầm “khoe khoang” chứ không phải hứa hẹn thề thốt gì”.

Đồng tình với M. Hùng, T. Tuấn (sinh viên năm 4, ĐH Bách Khoa) cũng thẳng thắn chia sẻ: “Mình không vì một chiếc nhẫn có tên “trinh tiết” mà tôn trọng hay coi thường một cô gái. Thứ vật chất đó đâu thể là tiêu chuẩn để đánh giá sự thanh sạch của một người? Con trai chúng tớ cần tâm hồn, cách ứng xử, nhiều hơn cái vẻ hình thức của bạn gái”.



Nếu bạn còn trinh và có ý định giữ trinh…

Nếu đủ điều kiện kinh tế, còn trinh và có ý định… giữ trinh thì bạn có sắm cho mình một chiếc nhẫn trinh tiết để đeo không?”, chúng tôi đã đem câu hỏi này làm một cuộc khảo sát nho nhỏ và kết quả khá bất ngờ: Có đến 85% ý kiến trả lời: “Không”, “không bao giờ”…

- “Thật là vớ vẩn nhất quả đất! Trinh tiết là chuyện tế nhị, sao phải đi trưng bày cho thiên hạ biết nhỉ, hay là bạn đang muốn “khoe khoang?”.

- “Với em thì em sẽ không đeo, vì e là có người nghĩ mình “mất” rồi nên mới phải  “cố” tỏ ra là “còn”. Em hay nói đùa rằng "Thôi thì đừng đeo cho nó trông có vẻ "nguy hiểm" hơn!".

- “Chị không đeo đâu, đây là chuyện riêng tư mà, ngại lắm! Dù nó có rẻ khoảng vài chục ngàn hay vài trăm ngàn thì chị cũng không mua đâu”.

 

“Xưa nay trong đạo đàn bà / Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”

 
- “Mình nghĩ bỏ thời gian để chăm lo đức hạnh, tâm hồn, cách đối nhân xử thế thì có ích hơn là đi lùng mua mấy cái nhẫn trinh tiết này”.  

- “Không bao giờ. Mình nói thật là mình vẫn còn trong trắng, nhưng nếu bảo mình với bạn trai đeo nhẫn thì mình không đeo đâu”.

- “Không dại gì mà đeo. Chẳng phải chiếc nhẫn này có lời nguyền sao? Nếu chẳng may đeo vào rồi mà vẫn không chế được bản thân, trót quan hệ lại tháo ra thì chả khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Còn thì đeo, mất thì tháo - thiên hạ biết tỏng tòng tong còn mình cùng chiếc nhẫn thì vô tình trở thành đề tài bàn luận sôi nổi rồi”.

- “Mình thề sẽ không đeo cái nhẫn này thêm một lần nữa. Cách đây 3 tháng, bạn trai tặng, bảo mình đeo. Nhưng sau này, khi đã trót “vượt rào” và chia tay nhau vì mâu thuẫn thì anh ấy đòi lại, để dành… tặng cô khác. Vì thế mình nghĩ, nếu muốn giữ thì còn, không thì mất thôi, chẳng liên quan gì đến chiếc nhẫn cả”.

 

Tạm kết

Ngày xưa, cụ Nguyễn Du cũng mượn lời chàng Kim mà gửi gắm quan niệm của mình: “Xưa nay trong đạo đàn bà / Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”...

Vì thế, nếu bạn thực sự ý thức về bản thân, kiên định giữ gìn cho đến tận hôn nhân, muốn dùng chiếc nhẫn để minh chứng thì bạn cứ làm theo những gì mình muốn và mình thích. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cô gái không đeo nhẫn thì đồng nghĩa với việc họ đã “mất”. Đơn giản thôi, có thể họ muốn giữ chuyện tế nhị đó cho riêng mình, hoặc họ xem nó chỉ là chiếc màng sinh học và tự biết giá trị của mình nằm ở đâu…

 

Theo Linh Thuỳ - The Box

 

people like INLOOK.VN fanpage