Bạn đang ở đây

Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ

Từng là một nét văn hóa ngày Tết, pháo nổ ẩn chứa tác hại nguy hiểm với sức công phá đáng sợ.
Như đã đưa tin, vào ngày 11/1 vừa qua, một vụ nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại khu nhà trọ sinh viên trong con hẻm 342 đường Lý Thường Kiệt, (P.14, Q10, TP.HCM) khiến 4 sinh viên tử vong, một sinh viên bị thương. 
 
Nguyên nhân vụ việc được xác định là do những sinh viên này tiến hành chế tạo pháo nổ ngay tại phòng trọ của mình. Vụ việc rung lên hồi chuông đáng báo động về nhận thức của một số không ít người chưa thấy rõ được những nguy hiểm mà pháo nổ gây ra…
 
Pháo nổ là gì?
 
Tiền thân của pháo nổ là “bộc trúc”, tức là những ống trúc bịt kín hai đầu phát nổ khi bị nung nóng được chế ra 200 năm TCN. Khác với pháo hoa, mục đích chế tạo pháo nổ là nhằm tạo ra những âm thanh đùng đoàng liên tục, tăng không khí vui tươi cho các dịp lễ hội hay Tết. 
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 1

Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 2

Pháo từng là một phần không thể thiếu của tuổi thơ biết bao trẻ em Việt Nam.
 
Cấu tạo của pháo nổ bao gồm thuốc nổ đen, ngòi nổ và vỏ pháo. Trong cuốn “Things Chinese” của James Dyer Ball, tác giả miêu tả cực kỳ chi tiết quá trình người Trung Hoa làm pháo vào cuối thế kỷ XIX. 
 
Cụ thể, ruột pháo được làm từ thuốc nổ đen với thành phần chính là lưu huỳnh, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat. Ngoài ra, người ta còn cho thêm các loại bột kim loại như magie, nhôm… để tạo màu cho pháo khi nổ.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 3

Cận cảnh một dây pháo diêm phổ biến.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 4

Một số loại pháo được làm thủ công...
 
Vỏ pháo bằng giấy rơm quấn thành ống để cho thuốc nổ vào bên trong và bít kín chặt hai đầu. Ngòi nổ thường được sử dụng là giấy làm từ cây tre, có trộn thêm bột hồng hoàng hay muối thủy ngân để kích nổ.
 
Tuy nhỏ nhưng sức công phá của pháo không tầm thường…
 
Khi châm ngòi, nhiệt độ của lửa làm nóng hỗn hợp thuốc nổ bên trong pháo và xảy ra phản ứng phân hủy tỏa nhiệt của kali nitrat hoặc kali clorat, lại bị ép bên trong vỏ pháo bịt kín nên gây ra tiếng nổ như chúng ta đều biết. 
 
Nhiệt độ bắt cháy của pháo phụ thuộc nhiều vào thành phần cấu tạo, nếu có nhiều thành phần dẫn cháy như bột hồng hoàng thì nhiệt độ châm ngòi sẽ giảm còn khoảng 160 độ C so với 200 độ C thông thường.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 5
 
Pháo nổ sẽ gây ra những tiếng đùng đoàng khá lớn.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 6
 
Sức công phá của pháo nổ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, độ ẩm của vỏ pháo, pháo có được bịt kín hay không… Tuy sức công phá không thể so với thuốc nổ TNT hay các sản phẩm công nghiệp khác song pháo nổ cực kỳ nguy hiểm nếu phát nổ ở gần con người hay các loại động vật. 
 
Theo tính toán của các chuyên gia, một quả pháo M-80 dài 3,8cm, đường kính bên trong 1,4cm, chứa 2-3 gram thuốc nổ đen cũng có thể gây đứt ngón tay, mù, điếc và bỏng nặng nếu bị pháo nổ trực tiếp trên người.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 7

Cận cảnh một dây pháo nổ.
 
Bằng chứng thực tế là rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của việc sử dụng pháo nổ không an toàn. Thậm chí, pháo còn rất dễ bắt nổ trong quá trình vận chuyển nên không ít tai nạn thương tâm đã xảy ra khi những thùng pháo phát nổ như bom khi đang được đưa đi tiêu thụ.
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 8

Một bàn tay mất hai ngón do bị pháo nổ.
 
Tác hại không lường trước…
 
Không chỉ có một sức công phá đáng kể mà ít người biết tới những tác hại khôn lường đằng sau những khói pháo thoát ra sau vụ nổ. Pháo nổ kéo theo việc giải phóng vào không khí các chất khí như lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit, cacbon monoxit, các loại bụi oxit kim loại của nhôm, stronti, bari, magie… Đó đều là các chất khí độc, không tốt cho sức khỏe và nhất là hệ hô hấp của con người. 
 
Nhìn tận mắt sức công phá khủng khiếp của pháo nổ 9

Khung cảnh hỗn độn sau một tai nạn nổ xưởng sản xuất pháo thủ công.
 
Đặc biệt là lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất khí có tính axit và oxy hóa - khử rất mạnh, là tác nhân chính gây nên mưa axit. Nếu đốt nhiều pháo cùng một lúc trong lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì khói pháo sẽ tập trung lại, người hít phải sẽ bị kích thích mạnh, dễ mắc viêm phế quản và các bệnh hô hấp nguy hiểm.
 
Tạm kết: Chừng nào chúng ta còn chưa tự trang bị đầy đủ kiến thức và ý thức về sự nguy hiểm của pháo nổ, những tai nạn thương tâm vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn năm này qua năm khác. Bởi vậy, nói không với pháo nổ là cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
 

Căn cứ theo Chỉ thị số 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08 tháng 8 năm 1994 thì: “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)”.

Theo khoản 2,4 điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tịch thu tang vật phương tiện đối với một trong những hành vi sau đây: Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùy vào mức độ, người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 điều 245 Bộ luật Hình sự, phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật hình sự, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.

Người sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự.

 

 

Theo kenh14.vn

 

people like INLOOK.VN fanpage