Bạn đang ở đây

Truyện ngắn: Hai người tôi gặp trong đời

Có thể truyện đã kịp ngưng ở lằn ranh: chút nữa sa xuống hố của tình huống yêu đương “hơi bị sến”, nếu không được níu lại bởi nỗi buồn day dưa xuyên thấu từ đầu đến cuối truyện. Thì ra, người viết không chỉ muốn kể lại một chuyện tình, mà muốn găm vào nhân vật một tâm trạng buồn thảm. Luôn muốn “khóc trong lòng” về ngôi làng mình đã bỏ lửng 10 năm , nay quay về với bao quan hệ ngổn ngang ràng buộc.

“Có ba người bạn nhất định sẽ phải gặp trong đời – tờ báo nói thế - Người thứ nhất là người yêu bạn nhất. Người thứ hai là người bạn yêu nhất. Người thứ ba không yêu bạn nhất, cũng không phải là người bạn yêu nhất, nhưng lại gắn bó cuộc đời với bạn. Người đó chỉ xuất hiện vào đúng lúc cần xuất hiện mà thôi”.

Tôi đặt tờ báo xuống bàn, còn cẩn thận chèn lên nó chiếc cốc vại to tuớng và rỗng không để nó khỏi bị những cơn gió tinh quái dưới sông trêu chọc. Tôi lại nhìn dòng sông êm trôi, nhìn bờ tre xa ngái…

Tôi xa làng đã lâu, trước khi bến đò vĩnh viễn lui vào dĩ vãng để bến sông xưa mọc lên một cây cầu. Và rồi ở một đầu cầu đã mọc lên một quán giải khát cho người làng qua lại dừng chân. Và rồi hôm nay tôi là một trong số họ. Và rồi hôm nay tôi đã gặp lại Người Yêu Cũ. Người tôi yêu nhất, người cũng nói là yêu tôi nhất.
“Anh có hạnh phúc không?”.
“Hạnh phúc à? Uừm… cũng tạm. Còn em?”.
“Cũng tạm. Em quan niệm về hạnh phúc không giống anh”.
“Cũng không giống mọi người”

Người Yêu Cũ chêm thêm vào phần lẽ ra tôi không định nói. Rồi chúng tôi cười ha ha.

Người Yêu Cũ gặp một người bạn, (hắn là đồ ném đá hội nghị) vừa đỗ xịch xe trước cửa, bạn đã oang oang:

“Chết chửa. Mình vừa chậm nửa giây thằng Oanh đã soán mất hợp đồng. Cái nhà xây hơn chục tỉ chứ có ít đâu. Cho tớ cốc bia hạ tức phát nào”.
“Đây đây… từ từ hẵng kể xem nào…”.

Người Yêu Cũ niềm nở tiếp bạn, rồi cũng bừng bừng tức giận, cứ như cái nhà hơn chục tỉ đó vừa rơi tuột khỏi tay Người Yêu Cũ không bằng.
 

 

Bờ sông trải dài với những triền cỏ may tim tím. Một đàn bò vẫy đuôi gặm cỏ, dáng thênh thang, nhàn nhã nhất trên đời. Hai thanh niên mặt mũi đen nhẻm, đột nhiên hiện ra trên cỏ biếc. Chúng giống nhau như sinh đôi một bọc. Cả hai đều ngoác miệng cười. Hàm răng chúng trắng lấp loá như răng quảng cáo, vậy mà không làm sao che lấp được những ngây ngô trên gương mặt. Tôi chìa cho chúng hai lon bia: “Uống đi!”.

Dưới sông, một nhà bè thả vó, cái vó to kềnh choán gần quá nửa dòng sông, hết nhấc lên lại hạ xuống. Bọn tôm tép bất hạnh chắc đã chui hết vào trong bụng giỏ. Cái giỏ rõ to, treo nơi đáy vó.
“Thế nào rồi, chuyện tình duyên ấy. Đến đâu rồi?”.

Nhà Bè vừa châm trà, vừa thư thả nhả chữ, cứ như “tôi biết tỏng rồi, chỉ hỏi cô cho có chuyện mà thôi”.

Tôi ngả người dựa vào cái bao tải cũ, đựng bên trong chăn màn, vừa nhìn cái vó khổng lồ đang ngắc ngư đầu bè, vừa nghĩ xem có nên trả lời bằng một câu thật độc, thật ác, thật đáng căm thù, bất cần… hay nói về chuyện gặp lại Người Yêu Cũ khi nãy, chuyện cắt ngang của gã bạn khi nãy…
“Cương sống thế nào anh? Hạnh phúc không?”.

“À… hạnh phúc… Cũng được. Nó đang theo ngành xây dựng, cũng khá. Còn em?”.

Khi trước, trên chiếc bè này, tôi và Người Yêu Cũ thường ăn cơm, uống rượu, ngắm trăng với Nhà Bè. Mười năm rồi, mọi thứ đã thay đổi, chỉ chiếc bè là không. Nó vẫn đứng nguyên một chỗ, lũ cọc tre neo nó đã sắp mủn ra, chỉ cần một lượt nước quét là biến mất…

Nhà Bè nhìn bọn cỏ may ngấu nghiến bám vào hai ống quần của tôi, bỗng nhiên bảo:

“Cũng chẳng hạnh phúc đâu. Buồn lắm. Vài lần nó xuống đây uống rượu với anh cả đêm. Nó vẫn nhớ thương em nhiều”.
***

Căn nhà hoang vắng như đã lâu rồi không có chủ. Ngoài kia đầy nắng, nắng như trời chan mỡ gà xuống vạn vật, mà trong khu vườn như thể bị một bàn tay siêu hình bứt ra từ một thế giới khác rồi ném vào góc làng: không khí ở đây mát đến lạnh người.

Tôi di chân lên đám rêu trong sân, nhìn cái điện thờ cũng phủ rêu. Đám rêu như muốn bảo nơi này mưa nhiều hơn, lâu hơn nơi khác. “Nơi khác” ở đây là làng và dòng sông lặng lẽ chảy quanh làng. Ông cụ đi vắng. Nhà Bè bảo có lẽ tối mới về.
***

Người Yêu Cũ lẽo đẽo đi sau tôi. Tôi thoăn thoắt bước trên bờ đê ngập cỏ.

“Anh biết vì sao em bỏ đi! Anh bây giờ đốn mạt thế đấy. Miếng cơm manh áo mà em”.
“Anh đừng đi theo em như thế. Vợ anh lại khổ”.
“Khổ à? Anh mới khổ…”.

Cắm ba nén hương thơm lên mấy ngôi mộ cũ và ngôi mộ được xây kiểu tròn xoay, trên phủ xanh cỏ của bà Hương Ngàn, tôi chắp tay thành khẩn. Lần này tôi về là do ông cụ gọi. Ông cụ là chú ruột của ba tôi, là ông nội của Nhà Bè và hai tên chăn bò thuê ngây dại. Họ là những ông anh họ của tôi. Và dù tôi về để nhận và giữ những thứ thuộc về gia tộc, tôi cũng muốn được vong linh tổ tiên chứng giám.

Mười năm trước tôi đã bỏ làng đi. Tôi cũng giống như bao con trai, con gái khác, hễ cứ thất tình là bỏ làng đi.

Tôi và Người Yêu Cũ yêu nhau ba năm, cuối cùng lại không thành. Nhà ấy bảo gia tộc tôi bị lời nguyền của bà Hương Ngàn, đến đây là mạt vận. Lại còn… Thôi. Lấy gì cái ngữ như nó.

…Nhà Bè dọn mâm cơm tươm tất lên chiếc phản gỗ. Thức ăn toàn tôm cá anh bắt dưới sông lên. Tôi đứng di chân trên nền sân đã phủ rêu. Nhà Bè bảo nhiều năm rồi anh sống dưới bè. Chỉ khi nào ông nội có khách anh mới lên nhà làm cơm.

Ông cụ ngồi khoanh tròn trên phản, trước mâm cơm, chờ tiếng chân đàn bò về ngõ. Lâu quá rồi tôi đã không về làng. Mỗi lần nghĩ về làng, nước mắt từ sâu thẳm lòng tôi cứ dâng lên, chỉ chờ một cái chớp mắt đầu hàng là chúng trào ra. Tôi hận ngôi làng đã giết của tôi mối tình đầu trong trẻo. Tôi hận ông cụ (dẫu vô lý) đã không dưng lại trở về làng. Tôi căm thù sự yếu hèn của Người Yêu Cũ… Tôi chán ghét mọi thứ.

Ông cụ ngồi lặng im, như đã hóa ra tượng đá. Tượng đá bé nhỏ, chòm râu dài màu xám bạc phủ trước ngực gầy. Khuôn mặt xương xẩu với hai gò má nhô cao. Dáng ngồi của ông cụ lột trần tuổi tác, như sắp xụm xuống. Chỉ đôi mắt là không của người già, đôi mắt không giống của người sắp đi vào cõi vĩnh hằng. Đôi mắt không giống như người đã gọi tôi về trăng trối. Đôi mắt mà khi nhìn vào ma quỷ, ma quỷ cũng bạt vía kinh hồn. Bao nhiêu năm nay, ông cụ đi khắp nơi trừ ma trừ quỷ. Bao nhiêu năm nay ông cụ vẫn sống giữa khu vườn mà không ai dám sống. Tôi đã nhìn vào đôi mắt ấy khi ông cụ về đến sân, đứng im ngắm tôi, lúc đó cũng đứng im ngắm nghía vòm cây trong vườn. Đôi mắt ông cụ là một cõi mênh mang những cô đơn và buồn thảm.

Hai tên ngốc chăn bò đã vui vẻ về đến sân. Chúng mặc hai chiếc quần cộc, gấu xé te tua, hai cái áo phông in hai chữ “Kaka” cáu bẩn. Chúng vui vẻ như chưa bao giờ có điều để vui vẻ đến thế.

Nhà Bè thở dài. Anh bảo năm ngoái hai đứa đi chăn bò, nhặt được một bao tải tiền. Chúng chẳng biết làm gì với bao tải tiền đó, cứ nghễu nghện vác đi, vừa đi vừa kêu có ai mất không thì bảo. Cuối cùng một tên mặt ngựa nào đó đã nhận và mang bao tải tiền đi mất. Người làng ai cũng tiếc, cũng buồn, chỉ hai đứa đó là không. Chúng vẫn đi chăn bò, vui vẻ với niềm vui của riêng chúng.

Tôi cũng thở dài. Không phải vì tiếc bao tải tiền đó. Mà vì một nỗi buồn thẳm sâu đang từ từ trỗi lên trong lòng. Tôi không biết tên nỗi buồn chết tiệt ấy, dù bao nhiêu năm tôi đã sống cùng nó.

Ông cụ xếp trước mặt tôi một chồng sách. Những cuốn sách ra đời từ rất lâu, rất lâu rồi, được viết bằng chữ Tàu, giấy in đen xỉn, nhiều cuốn đã tã mép, có lẽ chỉ hơi mạnh tay một chút là cả cuốn sách tan ra trong gió.

“Sách này toàn viết về chuyện âm dương, quỷ thần… Cả thơ nữa. Ta biết cháu không quan tâm. Nhưng ta biết cháu là người có học, sẽ giữ gìn nó cẩn thận”.

Hai giọt nước mắt kín đáo viền quanh hốc mắt đã thụt sâu của ông cụ. Im lặng rất lâu, không khí trang nghiêm phủ khắp căn nhà. Mãi sau ông cụ mới lại nói:

“Ta không tiếc chuỵên thơ phú, quỷ thần trong các sách này, mà tiếc công làm sách của tổ tiên ta, phụ thân ta. Trong này ghi những lời răn dạy cháu con nữa. Cháu xem, chữ đẹp như rồng như phượng. Đây là kỉ niệm của tổ tiên ta...”

Nhà Bè và hai tên ngốc ngồi vịn tay lên thành giường, chăm chú nhìn cuộc trao gửi kỉ vật giữa ông nội họ và tôi. Liếc nhìn Nhà Bè, tôi thấy một nỗi cô đơn mênh mang bao phủ trong đôi mắt anh. Hệt như khi ban chiều tôi thấy trong đôi mắt ông cụ.

“Ta không trao cho thằng Cả. Nó gắn đời nó với sông nước. Hai thằng ngốc này thì… Thôi cháu. Ta sắp đi rồi. Cháu giữ gìn cẩn thận. Giữ được đến khi nào thì giữ cho ta…”
***

Tôi gối đầu lên hai lòng bàn tay, nằm yên và nhìn bọn dơi được khắc lên các cột gỗ đỡ xà nhà. Chúng cũng nhất loạt nhìn tôi, nét mặt vừa ranh mãnh vừa háo hức, tựa như muốn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện.

Ngoài vườn, gió đu cây kẽo kẹt. Tôi nghĩ đến những chiếc cẳng tay, cẳng chân, những mảnh thịt và đầu người đầy máu rơi loạt xoạt từ các ngọn cây xuống lá khô trong vườn. Bao đời nay, người làng tôi đều kể cho cháu con nghe những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” đó.

…Ngoài bốn mươi tuổi, anh đột nghiên về làng, nghèo rớt và cô đơn. Người làng hỏi đi đâu mấy bữa. Bảo đi tù. Hỏi tù nào. Bảo tù Côn Đảo.

Người anh trai của anh đã lấy vợ, rồi đưa vợ con xa xứ. Mảnh đất cha mẹ anh để lại, xã đã trưng dụng làm trường học. Anh chắp hai tay sau lưng, đứng ngắm cây thị sai trĩu trước cổng nhà người yêu cũ. Bố người yêu cũ ý chừng không muốn gả, thách làm nhà ở trong vườn anh cu Tõn được thì lão gả con gái cho. Con gái lão thì đã lấy chồng, rồi chồng chết trận…

Anh cu Tõn là tên một người đàn ông đã sống ở làng vào một thời nào đó. Cả làng chỉ nghe tên mà không nhớ mặt. Vườn nhà anh cu Tõn bao đời không ai dám đến ở. Ban ngày cũng chẳng dám vào chơi. Người làng bảo khu vườn như cửa âm phủ, hoang lạnh và vô cùng ghê rợn. Người ta từng thấy vào những đêm mưa phùn gió bấc, hay gió mát trăng thanh, tiếng người ta như cả cái chợ xôn xao trong đó. Rồi chân, tay, đầu, mình của người cứ thi nhau rơi loạt xoạt trong vườn. Sáng ra thì không thấy gì nữa.

Anh chặt tre, đẵn gỗ, nhờ người dựng một ngôi nhà trong đó. Một năm trôi qua bình yên, anh cưới người yêu cũ. Hai vợ chồng anh sống bình thường, giản dị. Vợ anh làm nghề bán bánh quê ở những phiên chợ quê. Mỗi phiên chợ, khách quen ăn quà, hỏi chuyện ma quỷ. Chị cười ha hả, bảo hồi đầu chúng quấy tôi ghê lắm. Nào là dựng giường, úp thúng, có lần chúng đổ nguyên thúng bánh của tôi xuống đất. Cúng bái cũng chỉ yên một hai bận. Một hôm tôi giận quá, quát rằng chúng mày có giỏi sao không bắt nạt kẻ ác, lại bắt nạt người hiền, có để yên tao làm ăn mới có bánh mà cúng chúng mày chớ. Thế mà chúng nó để cho yên thật ông bà ạ. Ở nhà tôi, vợ chồng tôi nói chuyện với ma như thường…

…Nhưng chuyện bắt đầu từ khi vợ anh ốm, rồi qua đời. Đêm ấy trăng sáng lồng lộng. Anh và cậu con trai mười lăm tuổi ngồi trông bóng trăng lồng trong bóng lá, nhảy nhót trong vườn. Cậu con trai bảo lạ nhỉ, sao gió trong vườn nhà mình lại to hơn gió trong vườn nhà khác?

Người làng bảo chiều hôm chôn cất vợ anh, đám trẻ chăn trâu nghe thấy có những tiếng động trầm đục dưới ngôi mộ mới.
(Tiïëp theo trang 13)

(Tiếp theo trang 13)

Những tiếng động dữ dội, như thể cái thây ma đang đập nắp quan tài để trồi lên. Chúng chạy về bảo với cha con anh, lúc đó đang quét dọn trong sân. Cha con anh im lặng…

Người ta bảo cô vợ ấy mắc căn bệnh kì lạ, có thể ngừng thở rất lâu. Nhưng chưa quá hai mươi tư giờ thì không được chôn cất. Vợ anh chết chưa đầy nửa ngày đã phát tang, rồi an táng. Phần nhiều là cô ấy đã tỉnh lại trong mộ. Biết mình bị chôn rồi, cô ấy hết sức tìm cách báo cho ai đó trên mặt đất kia, và những đứa trẻ đã nghe thấy.

…Tôi là cháu gái của anh trai ông cụ. Ông bà nội tôi rời làng khi còn trẻ, cha tôi không được sinh ra ở làng. Nhưng những năm cả nước khó khăn nhất, đói khổ nhất, cha gửi tôi về làng sống nhờ ông cụ. Nghĩa là tôi đã lớn lên ở làng, đã nghe người làng kể hoài câu chuyện ấy. Tôi không bao giờ hỏi ông cụ chuyện đó có thật hay không có thật. Nhưng tôi mang theo trong trái tim mình câu chuyện của mọi người. Mọi người bảo hôm sau, họ thấy ngôi mộ của cô Hương Ngàn có dấu hiệu bị đào lên, mọi dấu vết khác biệt với hôm trước. Có người còn khẳng định cha con ông cụ đã đào mộ cô lên, thấy thi hài cô bị lật sấp, nước mắt còn ướt đôi gò má…

Họ lại bảo một hôm có người hành khất qua làng, ngồi uống nước bên bến đò, nhìn cha con ông cụ mà bảo ông đã chôn sống vợ. Bà ấy nguyền cho dòng họ nhà ông cứ thế mà lụi tàn…

Nhưng ông cụ lại bỗng dưng phát nghề phù thuỷ, trừ ma, diệt quỷ. Ông cụ bảo cái đó là do sách tổ tiên truyền lại. Vì chiến tranh, nhiều năm chúng lưu lạc theo một học trò thân tín của tổ tiên. Bây giờ người ấy trở về, giao lại cho ông cụ mà thôi…

Thế mà, con trai ông cụ lấy vợ, rồi chết trẻ, để lại ba đứa con trai. Một anh bình thường nhưng không theo đuổi học hành, suốt đời đắm đuối với tôm cá trên sông. Hai anh còn lại, bẩm sinh đã thành ra ngớ ngẩn. Với hai nguời này, tiền bạc, công danh, vợ con đều vô nghĩa.

Tôi từng gặp họ một lần vào một dịp Tết, lúc đó tôi về làng sau mấy năm bỏ đi. Đó là một ngày tháng giêng tuyệt đẹp. Nắng chan vàng trên bờ sông cũng rực vàng hoa cải. Hai con người ngớ ngẩn ấy khoác tay nhau đứng cười với gió, lúc đó, trông họ lung linh, đẹp đẽ nhất trên đời.

Tôi đi quanh làng suốt buổi hôm ấy. Tôi gặp bao con người, họ sống vì mục đích lớn lao là tình yêu, gia đình, danh vọng và tiền bạc. Nhưng không ai có cái nét cười rạng rỡ với gió xuân như hai người ngốc đó.

Hôm ấy tôi cũng gặp Người Yêu Cũ đang chở vợ con trên đường về Tết ngoại. Vì đang hạnh phúc, nên Người Yêu Cũ không nhìn ra tôi…

…Giường bên kia, sau gian giữa, hai tên ngốc ôm nhau ngủ. Chúng nói mơ, cười mơ. Tôi không biết chúng mơ gì, song chắc chắn không phải là ác mộng. Và tôi cũng chẳng tin chúng từng gặp ác mộng trong đời.

Vườn ầm ào gió. Mảnh trăng lạnh lẽo và cô đơn trên bầu trời bàng bạc. Cách vườn mấy ngôi nhà, có lẽ Người Yêu Cũ đang ôm ấp vợ, nghĩ về cuộc gặp chiều nay với tôi trên bến sông với cái cười lạnh lẽo. Nhưng chiều nay, khi chúng tôi nói về hạnh phúc, tôi đã không dám nhìn vào mắt Người Yêu Cũ. Có cái gì cũng thẳm sâu, cũng cô đơn, hoang vắng trong đôi mắt ấy, như đôi mắt của ông cụ, đôi mắt của Nhà Bè.

Tôi muốn nhìn thấy những cẳng chân, cánh tay rụng rơi, bê bết máu từ các vòm cây loạt xoạt. Trong buổi đêm này, tôi muốn điều đó có thật. Nhưng vườn chỉ có trăng và gió. Ông cụ bảo đã bán vườn rồi, được một khoản tiền khá lớn. Rồi đây ông cụ sẽ giao cho Nhà Bè. Nhà Bè sẽ mua một ngôi nhà ở một chân mây nào đó, lấy một cô vợ, sinh một đàn con, và quan trọng hơn, Nhà Bè sẽ đưa hai đứa em ngốc nghếch của mình đi khỏi nơi này.
Nhưng ai dám mua cái khu vườn kinh khủng này chứ?

Tôi đã định buột miệng hỏi ông cụ, nhưng chẳng cần tôi hỏi, ông cụ đã trả lời. Bây giờ đất này người ta tranh nhau mua ấy chứ. Có một bọn người mà quỷ cũng khốc, thần cũng sầu, nói gì đến mấy con ma nhãi nhép…

Tôi lại khóc trong lòng. Bán vườn rồi thì Nhà Bè sẽ không bao giờ muốn bước chân lên bờ nữa. Mà dẫu có sống ở nơi nào, hai tên ngốc sẽ biết sống ra sao nếu không có đàn bò, triền cỏ may và những mùa xuân, những vạt cải hoa vàng của chúng?
***
“Ngày xưa anh đã rất yêu em. Anh yêu em nhất trên đời”.

“Nếu là bây giờ, thì điều đó mới đáng ngại, chứ ngày xưa thì nói làm gì…”

Chúng tôi đặt tay mình lên cỏ ướt. Cỏ đã mềm vì trăng lạnh và sương đêm. Hai bàn tay ở rất gần nhau, nhưng không lồng trong nhau như ngày trước.

Thế mà trăng vẫn sáng như trăng ngày cũ, sông vẫn trôi như sông thuở nào. Vì cuối cùng thì trăng không sáng vì chúng tôi, sông không chảy vì chúng tôi như chúng tôi từng tưởng là như thế.
“Vấn đề là… vấn đề là… bây giờ anh vẫn thế. Anh…”
“Em sẽ không bao giờ trở lại đây nữa”.

Có những tiếng lào xào trên cỏ, như có hàng vạn bàn chân nhỏ xíu đang dò dẫm kiếm tìm, như có ngàn đôi mắt đang chớp chớp, ngàn đôi mi đang khép hờ, ngàn đôi môi đang khao khát. Có phải người vợ không hạnh phúc của Người Yêu Cũ đang kiếm tìm chúng tôi trên bờ đê hoang lạnh. Có phải…

Chiếc bè lặng im ngủ trên dòng sông. Đêm trôi như muôn ngàn đêm đang trôi khác. Khi mặt trời bắt đầu nhón tay vén bức mành đêm qua một bên, tôi biết là mình sẽ lên đường với những cuốn sách của ông cụ, mà chúng nói gì, tôi không hiểu gì hết. Tôi cũng biết mình không bao giờ còn có một đêm như đêm đã qua.

Gỡ vòng tay xiết chặt của Người Yêu Cũ ra khỏi eo thon, tôi ngắm anh trong bóng sáng nhạt mờ của buổi chớm bình minh. Anh vẫn còn say ngủ, trên gương mặt, nước mắt còn nhoè ướt.
***

…“Có ba người bạn nhất định phải gặp trong đời. Người thứ nhất là người yêu bạn nhất, người thứ hai là người bạn yêu nhất… Người thứ ba chỉ xuất hiện đúng lúc mà thôi”.
“Thường thì người bạn yêu nhất lại không yêu bạn nhất…”

Bọn thanh niên mới lớn xúm quanh một cái bàn, và một đứa oang oang đọc cái bài báo mà tôi đọc hôm trước trong quán nước đầu cầu. Tôi ngồi im nghe chúng đọc và nhìn dòng sông.
“Chị mang sách gì theo vậy?”.

Tôi mong có đứa nào đó hỏi tôi câu đó, để tôi trả lời là sách phù thuỷ.
Nhưng chúng không quan tâm đến sự có mặt của tôi.

Tốt thôi. Thế thì càng có lý do để tôi quên nơi này một cách nhanh nhất.
Và tôi đứng dậy, lặng lẽ ôm túi đầy sách, bước đi.

 


Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

people like INLOOK.VN fanpage