Bạn đang ở đây

Phượng ca

Tập tản văn được nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển gọi là quyển hồi ức này khởi đầu từ bài viết đầu tiên của chính tác giả trên báo Mực Tím.

 

Với những người đang xuân trẻ, người đã và sắp già, có lẽ, dấu ấn của ngày thơ ấu, của giai đoạn chập chững vào đời đầy bỡ ngỡ ở bậc học cấp 3 thơ mộng luôn đong đầy trong miền ký ức, trong tâm trí.

Hay như cách nói của tác giả, sau lưng mỗi người, luôn có một quãng đời mà người ta gọi là ngày xưa. Có người, sẽ có một tuổi thơ chứa chan màu hồng của tình yêu thương gia đình, song cũng có người, tuổi thơ ấy chưa thật sự bằng an và hạnh phúc. Để hoàn thành quyển hồi ức này, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển cho biết, đã cố gắng lục lọi những trang rời trong miền ký ức, trong cái khu vực vô thức vốn từ lâu đã ngủ yên, là tập tản văn hồi ức này được viết hướng đến các bạn độc giả trẻ, các bạn học sinh trung học.

“Ngày nay, cái học, cái vui chơi của các bạn có thể khác cái học, cái vui chơi của chúng tôi ngày xưa, nhưng tựu trung, mỗi đời người trong chúng ta đã trải qua một thời trung học thú vị”, nhạc sỹ Sao Biển viết trong phần giới thiệu, “Trong tập sách này, có những trang viết tỏa rạng niềm vui rực rỡ; có những trang viêt nỗi đau chi xiết mênh mông. Nhưng ngay trong niềm vui hay nỗi đau, tôi vẫn cảm thấy cái hạnh phúc kỳ dịu khi được sống và làm người. Bởi chỉ có con người mới cảm nhận được những trải nghiệm ấy”.

Trong tập tản văn này, tác giả - nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển cũng gửi tặng đến quý độc giả hai ca khúc, hai bản tình ca mà ai từng ngồi trên ghế nhà trường ở những năm 1968 không thể nào quên là “Thu, hát cho người” và “Phượng ca”. Ở những trang cuối cùng của tập tản văn, cụ thể là ở tác phẩm “Tôi thành nhạc sĩ”, chúng ta sẽ phần nào hiểu được cơ duyên ra đời của bản tình ca “Thu, hát cho người”, cơ duyên đưa tác giả Sao Biển trở thành một nhạc sỹ, hiểu hơn về một người con gái, là bạn cùng quê, nhân vật chính và là xúc tác, là nhân vật trung tâm của nhiều ca khúc vốn gắn liền với tên tuổi của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển từ những năm 1968 như Phượng Ca, Chiều về; Đường mơ, Cõi tiêu dao; Người xưa; Phố Hoài; Đôi mắt... Nhưng khi được hỏi, yêu và thích tác phẩm nào nhất, tác giả nói vẫn yêu "Thu, hát cho người” nhất. Tại sao? Theo tác giả, bởi vì ngày ấy, tôi chưa bao giờ nói tiếng yêu bạn. Đó là ngôn ngữ vô thanh.

Những ngày làm học sinh thơ mộng ấy, tôi phải ở trọ tại Hội An. Chiều thứ Bảy hằng tuần, tôi đi bộ qua những đường quê để về nhà, và trưa Chủ Nhật cuối tuần mới đi từ nhà sang Hội An. Giữa làng quê tôi và Hội An, ngoài quãng đường bộ, còn phải hai lần đò. Cô bạn xinh xắn học dưới tôi hai lớp, ở cùng quê, rất sợ đi một mình nên thường đợi tôi ở bến đò để được đi chung... Bạn rất lạ, bao giờ cũng giành đi trước. Ấy bởi vì bạn sợ tôi đi trước mà đi nhanh thì bạn không theo kịp, sẽ lạc đâu đó vào trong sương mù vùng hạ du sông Thu. Bạn từng dặn: "Đừng bao giờ bỏ em một mình nghe". Chúng tôi nắm tay nhau... Bàn tay của bạn đẹp lạ lùng... "Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe"...

Và tình ca "Thu, hát cho người" ra đời.... như hoài mong về hình bóng 1 người con gái, khi ấy, sông Thu đang mùa sim tím tháng 9 nở rộ thật đẹp., lãng mạn....

Theo NXB Văn hóa - Văn nghệ Tp.HCM

people like INLOOK.VN fanpage