Bạn đang ở đây

Hỗn Kỳ Đài: Tập truyện đáng đọc

Vẫn là văn phong mộc mạc, dung dị cùng với những cái nhìn từ những ngách nhỏ của Sài Gòn – TP.HCM, một lần nữa nhà văn Tống Phước Bảo đã mang đến cho độc giả một bức tranh chân thật, từ những câu chữ thân thương trong tập truyện ngắn mang tên Hỗn Kỳ Đài.
 
Mỗi nhân vật là một câu truyện hay, đáng để chúng ta suy ngẫm về cuộc sống trước mắt. Trong tập truyện ngắn Hỗn Kỳ Đài, nhà văn đã dùng nhiều từ ngữ để viết về những câu truyện của những tháng ngày Sài Gòn chống chọi COVID-19. Mỗi câu truyện mang một ý nghĩa khác nhau nhưng chung quy có mỗi thông điệp “chỉ có tình người mới đọng lại mãi”. Những câu truyện tình làng nghĩa xóm, san sẻ đùm bọc nhau ở đoạn “Mùa dịch, nhóm chat như sợi dây kết nối dân cư gần nhau hơn. Phòng 1401 có bà con gởi lên thịt heo, anh chị nào cần nhắn tin chia nhau nhé” trong truyện Mùa Thương Xanh Phố. Những câu chuyện quá đỗi gần gũi, quen thuộc và đâu đó sẽ có những chi tiết hình ảnh thấy chính mình trong đấy, mọi người cùng nhau chung sức chung lòng, kiên cường cùng nhau đi qua tâm dịch và hồi sinh thành phố.
 
 
Một sự quan sát tỉ mỉ từ góc độ của Tống Phước Bảo, cùng lối viết mộc mạc, không quá trau chuốt ngữ nghĩa chỉ giản dị bằng những hình ảnh của Sài Gòn chân tình, hào sảng, nhộn nhịp xen lẫn có những nhịp trầm lắng cứ như mảnh đất này cũng có những lúc cần nghỉ ngơi sau những bộn bề cuộc sống. Những câu truyện diễn ra trước mắt sẽ đến một lúc nào đó chúng ta thấy rất bình thường trong nhịp sống hằng ngày vậy mà tồn tại lại trong tâm trí khó quên và không quen với sự thay đổi của thời gian. Điển hình như ba nhân vật trong truyện Mấy Cha Già Ở Xóm La Cà lúc nào cũng nói chuyện rổn rản cả quán cà phê vậy mà đến khi không tụ tập lại thì thấy trống trải, “Mấy nay có một mình buồn hiu, thấy hình như mình quen rồi cái chuyện mấy cha già cãi nhau ỏm tỏi...” những nhân vật cùng những tính cách trong truyện sẽ cho độc giả có góc nhìn rõ hơn về đặc trưng con người của đất Sài Gòn.
 
Ngôn từ mộc mạc, giản dị, văn phong đậm nét Nam Bộ cho độc giả cảm giác “trải nghiệm” chân thật về đất, về con người mấy chục năm cùng sống cùng lớn lên với Sài Gòn. Chứng kiến những sự thay đổi, phát triển nhưng nơi đây vẫn luôn “chung thủy” với những thứ gọi là truyền thống. Có thể thấy rõ trong truyện Di Bố Phù ở đoạn “... giữa cái Sài Gòn hoa lệ này, chợ rồi siêu thị, cứ theo đà phát triển mà dần dà tập thành thói quen của không chỉ dân bản xứ mà lưu dân lỡ ghé phần đời mình ở Sài Gòn, tiện lợi, sẵn có, muốn mua gì cũng được. Vậy mà, cứ hễ độ chục ngày nữa Tết là cái khúc sông trước mặt nhà lại lao xao tiếng gọi thuyền, tiếng trả giá, tiếng mặc cả dù chỉ năm mười ngàn”.
 
 
 
 
15 câu truyện, 15 ý nghĩa đến từ các nhân vật mang đến cho độc giả những thông điệp về đau thương – hạnh phúc, thiện – ác, tha thứ - oán hờn, mang đến cho người đọc những cung bậc có thăng có trầm, có buồn vui xen lẫn và cũng có những phút giây lắng đọng. Đọc truyện Hỗn Kỳ Đài để thấy những nhân vật của tác giả là những chân dung số phận cùng niềm tin chiến thắng trong cuộc sống, có lẽ, độc giả sẽ có lúc nhận ra chính mình trong những câu truyện, trải qua những miền ký ức, hiện tại và cả tương lai.
people like INLOOK.VN fanpage