Bạn đang ở đây

Vấn vương hương vị bánh quê

Qua tác phẩm “Vấn vương hương vị bánh quê”, tác giả Trần Minh Thương mong muốn đưa người đọc đến với không gian và hương vị bánh quê đã và đang có mặt trong đời sống ẩm thực của cư dân nơi đây để góp phần gìn giữ những nét văn hóa dân gian còn phảng phất qua thời gian.

Một trong những dấu ấn văn hóa vừa thể hiện nét đẹp ứng xử của người bình dân miền Tây Nam Bộ vừa thể hiện sự phong phú của sản vật vùng đất này chính là nghệ thuật ẩm thực. Cụ thể hơn là các món quà quê như bánh, chè đã theo chân người xa xứ đến đây và tồn tại đến tận hôm nay. Từ khi đặt chân đến vùng đất mới để khai hoang, dựng làng, mở chợ, người dân tứ xứ đã dần hình thành nên những biểu hiện văn hóa đặc sắc với những biểu trưng riêng biệt. Văn hóa ẩm thực dân gian nằm trong dòng chảy vừa phong phú vừa đa dạng đó. Vùng đất Tây Nam bộ có thổ nhưỡng trù phú, sông rạch chằng chịt, ruộng đồng bao la, phù sa bát ngát, ưu đãi sản vật quanh năm.

Từ kinh nghiệm đúc kết qua năm tháng, tác phẩm Vấn vương hương vị bánh quê được tác giả gởi gắm không gian và hương vị bánh quê đã và đang có mặt trong đời sống ẩm thực của cư dân nơi đây để góp phần gìn giữ những nét văn hóa dân gian còn phảng phất qua thời gian.

Sách dày hơn 200 trang với 48 bài viết đặc sắc phong phú các thức bánh đặc trưng từng vùng miền sông nước. Có thể kể đến như: Lạ miệng với miếng bánh bầu, Ăn bánh bò nhớ câu hò điệu lý, Bánh canh nước cốt dừa, Đến miền Tây ngất ngây bánh chuối, Thứ bánh kêu khọt khọt, Cái bánh có nhiều dị bản nhất ở miền Tây Nam Bộ, Thú vị chuyện xe bánh tằm, Trưa hè ăn bánh lọt, Ghé Sóc Trăng ăn bánh cống/ bánh xầy/ bánh vá, Một số món bánh đặc trưng của người  Khmer, Nhớ cái bánh ú lá tre, Bánh pía Vũng Thơm, Đa dạng bánh làm từ khoai mì, Về miền sông nước ăn bánh nắn lá… thật không thể kể hết bao nhiêu hương vị bánh hấp dẫn.

Tập sách “bánh quê” được Trần Minh Thương miêu tả sống động và chân thực, ngoài việc đi điền giã, trải nghiệm thực tế, tìm về những ký ức qua những món bánh phổ biến và những món bánh xưa nay đã hiếm gặp. Người dân nơi đây bằng sự trải nghiệm của vốn sống, kinh nghiệm dân gian, tận dụng môi trường tự nhiên sẵn có, tinh thần sáng tạo cởi mở phóng khoáng nên đã sáng tạo hay phóng tác thêm nhiều thức bánh mới, thậm chí có rất nhiều phiên bản khác nhau… Ví như bánh xèo, bánh chuối, bánh khoai mì, bánh bò… hay cùng một loại bánh mà người ta chế biến ra hai phiên bản vị mặn và ngọt. Có những món bánh có từ rất lâu đời, từ ở những miền xa, thậm chí ở nước ngoài hay vùng cố đô của người Việt được truyền vào vùng đất này. Kết hợp với sự sáng tạo của những chủ nhân nơi đây, nhiều món bánh đã được cải biên, tiếp biến có khi đã khác xa so với nguyên thủy. Bánh không chỉ dùng để ăn chơi, để thay đổi khẩu vị mà nhiều thứ được làm ra để dâng cúng tổ tiên, ông bà quá cố. Song, với quan niệm trước cúng sau ăn, ranh giới giữa người tại thế và người khuất mặt gần như đã gần hơn, thậm chí xóa nhòa.

Mỗi dân tộc có những cách ăn uống của riêng mình. Chè bánh cũng vậy! Rồi do tập quán sống cộng cư, giờ đây bánh pía, thèo lèo của người Hoa đều có mặt trong đời sống của người Việt, người Khmer. Hay bánh gừng, bánh ống, cốm dẹp,… vốn là đặc sản của người Khmer đồng thời được người Việt, người Hoa ưa thích.

Từ thực tế cuộc sống của gia đình, làng xóm cũng như những điều thu thập được trong đời sống sinh hoạt của bà con qua những chuyến đi điền dã, tác giả có đôi dòng tản mạn ghi nhận lại những món bánh, chè vừa quen thuộc vừa hấp dẫn này. Bạn đọc sẽ thấy “bánh quê” gần gũi và dễ tìm gặp hơn qua lời kể, tả lại của bà con miền quê, kết hợp với những kiến thức văn hóa dân gian của tác giả, sự ghi nhận đóng góp hữu tình sau từng chuyến đi tìm hiểu, nếm thử dư vị từng miếng bánh, chén chè, món ăn phong phú. Những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng trù phú thể hiện trong tập sách “Vấn vương hương vị bánh quê”. Khó có thể định hình lại hết trên trang giấy những biểu hiện hết sức phong phú của những cái bánh quê. Nó mênh mông như chính tấm lòng của người bình dân xứ sở này vậy!

Tuấn Anh

people like INLOOK.VN fanpage