Bạn đang ở đây

Vì sao vụ 'hôi của' được miễn đền vào phút cuối?

Tại sao người Việt lại có hành động thi nhau 'hôi' của rơi và tại sao hãng bia nổi tiếng thế giới im lặng đến phút cuối cũng phải lên tiếng...? Đó chính là hội chứng đám đông và những bài học phát triển thương hiệu của các hãng lớn.

Vụ "hôi bia" ở Biên Hòa, Đồng Nai xảy ra cách đây hơn một tuần (ngày 4.12) có lẽ phải chờ một thời gian khá dài nữa mới xóa nhòa được những hình ảnh không đẹp về người dân Việt Nam. Thay vì thấy lái xe làm đổ bia ra đường, người dân hò nhau giúp đỡ thì ngược lại đồng loạt những ai có mặt tại hiện trường xúm lại tranh giành nhau lấy bia. 

 

Cảnh tượng hãi hùng khi hàng ngàn lon bia đổ ra đường cùng với đó là hàng trăm người cùng nhau hôi của. Có người nhà gần thì vác chạy về nhà, người thì cho lên xe máy... thậm chí mang cả bao tải ra để gom bia, mặc cho tài xế gào khóc, van xin đừng lấy hay để lại bìa các-tông làm bảo hiểm.

 

Chẳng nói ngoa khi nói đó là... cướp và người dân vốn ngoan hiền bỗng dưng trở thành những tên cướp.

 

Hàng ngàn lon bia đổ ra đường, hàng trăm người cùng nhau "hôi của". (Ảnh Tri thức)

"Hôi của" là phản xạ tự nhiên?
 

 

Quả đáng xấu hổ khi bản chất "cướp của" đang tồn tại trọng một bộ phận người Việt. Lý do họ hành động như vậy được lý giải thật đơn giản. Tại sao lại không, khi người ta làm được thì mình làm được? Tại sao không, khi việc tôi làm chỉ là nhặt của rơi trên đường thôi mà? Tại sao không, khi bia rất có giá, tôi có thể mang về uống hoặc bán lại cũng kiếm được kha khá? 

 

"Đó là do cái tâm lý bầy đàn, tâm lý vì cái riêng mà đạp đổ cái chung. Xã hội nào tồn tại tâm lý đó thì xã hội kém phát triển, quốc gia nào còn tâm lý đó thì quốc gia đó mãi nghèo nàn. Nếu lúc trước bạn bè quốc tế bảo người Việt Nam chỉ nghèo tiền nghèo bạc thì nay họ có thêm luận cứ để bảo rằng người Việt Nam còn nghèo cả nhân cách và ý thức. Nói chung chúng ta nghèo toàn tập", diễn giả Huỳnh Minh Thuận bày tỏ ý kiến.

 

Vì sao "người trong cuộc" mãi im lặng?

 

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, người tài xế đáng thương được báo chí phác họa đậm nét hơn hình ảnh nghèo khổ: phải ăn mỳ tôm, nhà thuê, con nhỏ đau ốm, vợ trông chờ tiền của chồng... Hoàn cảnh này càng khiến cho những kẻ "hôi của" trở thành tội đồ vô lương tâm, dìm chết một con người lương thiện. 
 

Gia cảnh nghèo khó của tài xế Hậu (Ảnh: Tri Thức Trẻ)

 

Điều bất công nhất khiến dân mạng bất bình trong suốt hơn một tuần là người cướp của không bị đi tù mà người bị cướp lại bị đi tù. Bởi lẽ, số thùng bia lên tới 1.400 thùng sẽ tương đương với số tiền là 400 triệu, tài xế Hồ Kim Hậu sẽ phải đối mặt với chuyện đi tù nếu không trả đủ số tiền đó cho công ty anh vận chuyển. Mọi người đồng loạt lên tiếng bảo vệ, kêu gọi Tiger Beer miễn truy cứu cho anh Hậu nhưng phía công ty bia nổi tiếng nhất nhì thế giới vẫn im lặng suốt hơn một tuần. Tại sao Tiger Beer lại im lặng và tại sao đến phút cuối họ lại phải lên tiếng?

 

Thứ nhất, người làm truyền thông hiểu rõ nhất sức mạnh của những câu chuyện mà họ gọi là câu chuyện truyền thông. Vì vậy mà dễ thấy các thương hiệu, sản phẩm đó rất nhiều tiền bạc và chất xám để có được những câu chuyện hấp dẫn và truyền tải cảm xúc. Chúng ta đã chứng kiến những câu chuyện như Mì Gấu Đỏ Gắn Kết yêu Thương, Câu chuyện Runing man, Nick... Vì bản chất của câu chuyện có tính lan truyền, tính cảm xúc và chứa thông điệp.

 

Ai đó từng nghe câu chuyện con chuột rơi vào nồi hủ tiếu họ sẽ không dám ăn, dù chưa biết xác định nó thật đến đâu nhưng câu chuyện này đã vô tình đẩy những người bán hủ tiếu oan ức kia lao đao vì khách hàng "bỏ của chạy lấy người"; Hay người ta sẵn sàng bỏ tiền nghe Nick diễn thuyết vì câu chuyện vượt lên khó khăn của anh; rồi những nhà tổ chức sự kiện sẵn sàng bỏ tiền tỷ mời "trai đẹp bị trục xuất" về Việt Nam dù sau này người ta mới biết câu chuyện của anh chỉ là sự hiểu lầm.... Sơ sơ như vậy cũng thấy, câu chuyện là nhân tố số 1 của truyền thông, và người làm truyền thông còn được gọi là người kể chuyện.

 

Lần này Tiger Beer chắc chắn rất vui mừng khi có trong tay một câu chuyện truyền thông đáng giá bạc tỷ mà họ không phải chi tiền. Đó chính là lý do tại sao Tiger lại không công bố sớm quyết định của mình - nguyên tắc của... kể chuyện. Theo diễn giả Minh Thuận: "Người ta vào rạp xem phim, nếu biết trước kết cục những phút đầu tiên thì bộ phim có còn hấp dẫn không? Chắc chắn là không. Tiger không công bố sớm quyết định của mình (dù họ đã có quyết định) cũng là để câu chuyện này đủ chín. Điều đó sẽ tạo nên một hiệu ứng trong công chúng".

 

Sự thật là trong khoảng thời gian tính bằng giá trị kim cương đó, hàng trăm tờ báo đã đưa tin, hàng triệu con người sẽ ra sức bàn tán về Tiger - cơ hội ngàn vàng PR rộng rãi. Công chúng sẽ nuôi nấng câu chuyện truyền thông của họ và họ biết nếu công bố, là cũng lúc bộ phim hạ màn.

 

Vậy việc kéo dài thời gian công bố là hết sức hợp lý, và đến giờ thì có thể nói câu chuyện hôi bia đã kết thúc có hậu.

 

Ngày 13.12, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (đơn vị sản xuất bia Tiger) phát thông cáo cho biết, tài xế Hồ Kim Hậu không phải bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm bia của công ty. Lý do nào khiến đơn vị sản xuất bia phải lên tiếng? Chính là khi công chúng bắt đầu mở tài khoản và chuyển tiền ủng hộ cho tài xế Hậu, số tiền hiện nay đã lên đến trên 100 triệu đồng. Nếu để số tiền này lớn quá mới công bố thì không còn kịp nữa, chỉ giống như việc cứu một người đang sống khỏe mạnh thêm khỏe mạnh mà thôi.

 

Hiệu ứng đám đông đã mang lại cho các thương hiệu được PR rộng rãi mà ước tính ra họ phải bỏ ra tiền tỷ để được nhắc đến tên như thế. Trước đây, CLB Arsenal đã chớp thời cơ tận dụng triệt để hình ảnh chàng trai Running man của Việt Nam và giờ đây là Tiger Beer, chỉ bỏ ra vài trăm triệu miễn bồi thường đã nhận được "món hời" quá lớn: toàn thể người dân Việt nhắc nhớ.

Theo Xzone

people like INLOOK.VN fanpage