Bạn đang ở đây

Nghìn chiêu nhân sự mắc bẫy tuyển dụng

Đánh trúng tâm lý 'khát' việc của nhiều sinh viên mới ra trường hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng dỏm đã lập hẳn những công ty, và đưa thông tin tuyển dụng lên mạng để 'lừa' người tìm việc.

Thủ đoạn tinh vi

Khi người tìm việc đã biết rõ những thủ đoạn móc túi của những trung tâm giới thiệu việc làm chui thì gần như ngay lập tức, những nhà tuyển dụng dỏm chuyển sang chiêu thức khác. Thuê mặt bằng để làm trụ sở công ty ma, rồi đường hoàng đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng rao vặt. Và từ đây, nhiều người bị ăn quả lừa ngoạn mục.
 
Những công ty này không tuyển nhân viên với mục đích bổ sung nhân lực phục vụ cho hoạt động, sản xuất kinh doanh mà thực tế để thu lợi nhuận từ khoản tiền mà họ yêu cầu ứng viên đóng, ký quỹ, hoặc mua sản phẩm của công ty để được tuyển dụng.
 
Hầu hết các thông tin tuyển dụng được các “công ty” này đăng trên mạng đều là những công việc nhẹ nhàng, lương cao và không đòi hỏi quá nhiều. Chính điều này làm cho nhiều người đang thất nghiệp “dính bẫy”.
 
Mẫu rao vặt tuyển dụng thường thấy của công ty Đ.P
 
Huyền, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Vinatex, vì muốn kiếm tiền trang trải thêm cho cuộc sống xa nhà nên ngay từ khi mới nhập học, cô đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm. Sau một thời gian lang thang trên internet, cô tìm được việc nạp tiền điện thoại cho khách hàng của công ty Đ.P trên đường Bạch Đằng (Tân Bình). “Công việc nhẹ nhàng, làm 3h/ngày, lương 1,9 triệu đồng/tháng ai chẳng ham hả anh”, Huyền nói.
 
Thấy công việc tốt, Huyền tham gia buổi phỏng vấn với gần chục bạn trẻ khác. “Họ hỏi rất sơ sài, gần như không quan tâm năng lực hay yêu cầu gì của em. Sau đó, họ kêu em đóng 100.000 đồng để kích hoạt sim đa phương tiện, khoản tiền này sẽ không hoàn trả nếu không đi làm. Sau đó công ty yêu cầu phải đi thử việc 5 ngày. Sau khi thử việc, công ty lại bắt phải tuyển thêm 5 người nữa vào làm giống như mình rồi phải đóng 1 triệu vào tài khoản sim đa năng để sau này nạp tiền cho khách hàng và công ty hứa cuối tháng sẽ hoàn trả sau”.
 
Không thể nào tìm được 5 người vào làm cùng, cũng không có 1 triệu đồng nạp tiền vào tài khoản, vậy là Huyền bị công ty cho nghỉ việc cùng khoản tiền 100.000 đồng và gần chục ngày công. “Tại em không biết, các anh chị đi trước nói đây thực chất là hình thức làm việc đa cấp”, Huyền thở dài.
 
Ngoài hình thức phải nộp tiền ký quỹ, nhiều người còn “ăn quả đắng” khi phỏng vấn tìm việc tại quán café. Thủ đoạn lừa đảo dạng này cũng bằng cách đăng tin tuyển dụng trên mạng với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng, rồi hẹn gặp ở quán… cafe để phỏng vấn vì “công ty đang sửa chữa” hoặc “anh tiện ghé qua đây”… Sau đó, họ tìm cách lừa lấy điện thoại, xe máy, laptop của người tìm việc rồi “biến mất”. Hình thức lừa đảo này không mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cho nhiều người dính bẫy.
 
Cảnh giác khi tìm việc trên mạng
 
Chung quy lại, việc lừa đảo tuyển dụng hiện nay vẫn còn đất sống vì đã đánh trúng tâm lý của người tìm việc. Một công việc nhẹ nhàng, không yêu cầu quá nhiều nhưng mức thu nhập tương đối cao là một cái bẫy “ngọt ngào” đối với những người kiếm việc non nớt. Và như vậy, các công ty này tha hồ thả lưới.
 
 
 
Hơn 7 triệu tin tuyển dụng của công ty Đ.P trên Google
 
 
Nếu dạo qua website việc làm trực tuyến như vieclam.24…., muab…timviec…không khó để tìm ra hàng chục tin tuyển dụng của công ty Đ.P như đã đề cập ở trên. Thậm chí, chỉ lên google gõ dòng chữ Đ.P, ngay lập tức tìm được 7.670.000 kết quả trong chưa đầy 0,27 giây. Tất cả những tin này đều đăng tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại cho khách hàng hoặc nhân viên văn phòng, nhân viên trực điện thoại... và đều là tuyển dụng lừa đảo. 
 
Thực chất, hình thức tuyển dụng nhân sự của công ty Đ.P không nhằm mục đích phát triển như thường thấy mà chỉ là một hình thức làm việc đa cấp (người này tuyển người kia), nhưng mục đích chính là để chiêu dụ những bạn học sinh, sinh viên non nớt nhằm thu lợi bất chính. Đáng nói là công ty này vẫn hàng ngày vẫn đăng rất nhiều tuyển dụng trên mạng, kéo dài chiêu lừa đảo người xin việc.
 
Để làm mới thông tin trước những khách hàng từng ăn quả lừa, các "cô - ty - lưa" thường xuyên “thay tên đổi họ” để tiếp tục đăng tuyển dụng lừa đảo, bất chấp thủ đoạn bị vạch trần trước đó. Vì vậy, các hình thức lừa đảo tuyển dụng vẫn ngang nhiên tồn tại trên các mạng rao vặt, tuyển dụng việc làm online.
 
Để tránh gặp cảnh tiền mất tật mang, người tìm việc nên tỉnh táo khi tìm việc trên internet. Cần tìm hiểu kỹ những thông tin tuyển dụng với công việc nhẹ nhàng nhưng mức lương lại khá cao. Nếu tìm việc trên mạng, cần tham khảo kỹ các thông tin tuyển dụng của công ty đó trên các forum, diễn đàn. Khi đi phỏng vấn, không nên gặp ở một địa điểm nào đó như quán café, quán ăn… Và người tìm việc cũng nên từ chối nếu công ty yêu cầu nộp phí tuyển dụng hoặc bất cứ khoản phí nào khi phỏng vấn. 
 
Quan trọng nhất, nên tìm việc ở những trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín của các tổ chức như Nhà văn hóa thanh niên, Trung tâm hỗ trợ thanh niên, trung tâm giới thiệu làm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội…

 

Theo Lê Khanh - Xzone

people like INLOOK.VN fanpage