Bạn đang ở đây

LÀM GÌ KHI BÉ HAY NGẮT LỜI, TRANH LỜI NGƯỜI KHÁC?

Dạy con là công việc khó, làm sao để con mình phát triển tốt luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Ở những độ tuổi khác nhau, bé đều có những biểu hiện riêng biệt và đôi khi không như mong muốn của cha mẹ như việc nhiều trẻ hay tranh lời, ngắt lời người khác. Điều này làm các bậc phụ huynh nhiều lúc xấu hổ về hành động của con mình. Tuy vậy, hành vi của trẻ không phải là thể hiện thái độ vô lễ, nó đơn giản là sự khẳng định cái tôi của trẻ trong quá trình phát triển. Nhưng nếu không được uốn nắn kịp thời thì cũng sẽ dẫn đến những mặt hạn chế trong giao tiếp của trẻ sau này.

 

1. Nguyên nhân bé hay tranh lời

Bộc lộ sự hiểu biết

Bước qua giai đoạn học nói (5-7 tuổi), bé đã am hiểu khá nhiều chuyện xung quanh cuộc sống. Vốn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ của bé cũng thành thạo hơn. Vì vậy, thói quen “cướp lời” là khi bé muốn chứng tỏ bản thân mình.

Bày tỏ điều không hài lòng

Lúc còn nhỏ, bé thường có thái độ khóc lóc giận dỗi khi bạn yêu cầu bé làm những điều không thích. Khi bé trưởng thành hơn, thói quen khóc hay ăn vạ cũng bớt dần. Thay vào đó, bé muốn dùng sức mạnh của lời nói như hét to lên, chen ngang với bạn để bày tỏ sự phản đối.

Khi bạn nhắc nhở hoặc trách mắng bé, bé càng tỏ rõ thái độ bằng cách chen ngang vì không muốn nghe nữa.

Thể hiện sự đòi hỏi

Khi tinh thần của bé tập trung vào việc đòi bạn món đồ chơi mới hoặc xin được ăn bánh trong tủ lạnh, bé sẽ không để ý đến câu chuyện bạn đang nói dở. Bé sẽ yêu cầu bạn đáp ứng đòi hỏi trước mà quên đi quy tắc lịch sự trong giao tiếp.

2. Làm thế nào để khắc phục tật xấu này cho bé?

Làm gương cho bé

Các bé ở lứa tuổi này thích noi gương người lớn. Nếu vợ chồng bạn thường xuyên ngắt lời nhau, thì bé cũng sẽ bắt chước. Bạn không được cắt ngang lời bé khi bé đang nói chuyện với bạn. Nếu bạn quên mất điều này và ngắt lời bé (hoặc ngắt lời bất kỳ ai khác), bạn hãy dừng ngay lại và nói: “Ồ, mẹ xin lỗi vì đã ngắt lời con. Con nói tiếp đi.” Con bạn không chỉ bắt chước cách cư xử đẹp của bạn mà bé còn biết cách thừa nhận sai lầm. Bạn cũng sẽ cảm thấy mọi việc trở nên tốt đẹp hơn nếu như bé thường xuyên nghe thấy bạn “cảm ơn” và “xin lỗi”…

Giữ bình tĩnh

Bạn không nên vội vã quát mắng hoặc cố lớn tiếng để át giọng của bé. Có thể ngừng một chút để lắng nghe xem bé muốn diễn đạt điều gì. Đợi cho bé nói hết câu, bạn nên nghiêm túc nói với trẻ “Con xem, mẹ chưa nói xong con đã chen ngang rồi. Như thế là không ngoan và không lịch sự con ạ!”.

Kiên trì rèn luyện trẻ

Các bé đã hiểu cách chờ đến lượt. Bạn hãy sử dụng kỹ năng này để dạy bé chờ người khác nói xong rồi mới đến lượt bé. Trò chơi đơn giản: Bạn hãy hỏi bé về một vấn đề mà bé thích như “Tại sao con thích búp bê Baby?” Bạn hãy nghe thật kỹ câu trả lời của bé. Khi bạn cảm thấy bé đã nói xong bạn hãy hỏi “Con nói xong chưa? Rồi, bây giờ đến lượt con hỏi mẹ.” Nếu bé cắt ngang lời bạn, bạn hãy đặt 1 ngón tay lên miệng bé và tiếp tục nói nốt ý của bạn. Sau khi nói xong “Bây giờ đến lượt con”, và lại để bé tiếp tục nói. Nếu bé cảm thấy bế tắc với câu bạn hỏi thì bạn có thể hỏi câu khác. Có thể ngay từ vài lần chơi đầu tiên, bé vẫn ngắt ngang lời bạn, nhưng bạn nên kiên trì. Dần dần bé sẽ hình thành thói quen nghe người khác nói xong mình mới nói tiếp chứ không tranh lời nữa.

Ngắt từng ý rõ ràng


Sự tập trung với các bé còn chưa hoàn thiện, vì vậy, bé rất “sốt ruột” nếu phải chăm chú lắng nghe bạn trong một khoảng thời gian dài. Tốt nhất, bạn nên chia nhỏ các ý và trao đổi với bé. Hết một ý, bạn tạm thời dừng lại, hỏi chuyện bé trước khi chuyển sang ý tiếp theo.

Hoặc gợi ý: nếu bé muốn chia sẻ điều gì khi cả nhà đang quây quần trò chuyện, bé có thể giơ tay xin ý kiến (giống như việc bé xin phát biểu ở lớp nếu bé đã bước vào độ tuổi đi học).

Nói chung ở độ tuổi này, bé thường thích nói theo ý mình một cách tự nhiên và bộc phát. Bạn nên cảm thông và kiên trì nhắc nhở để bé hiểu việc tranh lời người khác khi nói là không lịch sự, giúp bé dần dần sửa đổi thói quen xấu này.

Tổng hợp

 

 

 

 

people like INLOOK.VN fanpage