Bạn đang ở đây

Bé ngủ ngon là bé đang phát triển

Những giấc ngủ no tròn sẽ giúp bé nghỉ ngơi tốt và phát triển trí tuệ. Buổi sáng bé dậy với nụ cười tươi và ngày mới bắt đầu với bao niềm vui với cả mẹ và bé!

Lúc mới bắt đầu ngủ - bé rất dễ tiếp nhận âm thanh. Vậy nên khi bạn ru bé ngủ hãy dùng những bài hát ru hoặc kể chuyện, đọc thơ cho bé nghe.

Làm sao biết được bé ngủ có đủ không?

Đa phần các nhà khoa học cho rằng phụ thuộc vào lứa tuổi của bé mà áp dụng chế độ ngủ khác nhau.

-Trẻ sơ sinh : 16 – 18 tiếng/ngày

-Trẻ 3 tuần tuổi: 15-18 tiếng/ngày

-Trẻ 6 tuần tuổi: 15-16 tiếng/ngày

-Trẻ 4 tháng tuổi 10-12 tiếng ban đêm và 2 giấc ngủ ngắn ban ngày (khoảng gần 2 tiếng một giấc)

-Trẻ 6 tháng tuổi: 10-11 tiếng ban đêm và  2 giấc ngủ ngắn ban ngày (khoảng gần 2 tiếng một giấc)

-Trẻ từ 9 tháng đến 18 tháng : 10-11 tiếng ban đêm và  2 giấc ngủ ngắn ban ngày (khoảng gần 1-2 tiếng một giấc)

Tất nhiên là chế độ của bé nhà bạn có thể không trùng khít với chế độ chuẩn. Điều này hết sức tự nhiên. Điều các mẹ cần quan tâm hơn là sự đều đặn. Đơn giản là hãy theo dõi và xác định cho bé một chế độ ngủ. Trong những tháng đầu tiên mẹ hãy ghi nhật ký các thói quen của bé. Hãy đánh dấu thời điểm bé ngủ và thức, khi nào hoặc sau việc gì bé mệt. Lý tưởng nhất là bé luôn ngủ và ăn vào những giờ nhất định trong ngày. Tất nhiên là chẳng có đứa bé nào lại có một thời gian biểu chuẩn ngày nào cũng đúng giờ như ngày nào cả. Tuy nhiên nếu sau 3 tháng tuổi mà giấc ngủ đem của bé vẫn chập chờn, bé hay tỉnh giấc quấy khóc mà không có lí do (đói, tè dầm, ị, ốm đau, mặc quá nóng hoặc quá phong phanh) thì bạn phải chăm sóc và quan sát bé kĩ hơn, bởi “ngủ không ngon giấc, vật vã khi ngủ” là một trong những dấu hiệu cho thấy bé bị còi xương, suy dinh dưỡng, hoặc tệ hơn nữa là mắc những chứng bệnh như tăng động giảm tập trung chú ý hoặc tự kỷ. Hãy để tâm đến bé xem việc gì đang xảy ra với bé, hãy tư vấn với bác sĩ nhi khoa và dinh dưỡng để có hướng can thiệp, điều trị kịp thời.

Để cho giấc ngủ sâu bé cần được đặt nằm ngủ vào đúng giờ. Để cho bé dễ đi vào giấc ngủ hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Việc gì dễ "vấn an" bé? Tất nhiên đó là tắm và mátxa. Giấc ngủ bé cũng sâu hơn nếu bữa tốt bé dùng sữa mẹ. Khi đã bú no bé sẽ cảm thấy thoải mái, dễ ngủ và ít thức giấc giữa đêm.

Nếu như bạn thành công trong việc lập chế độ ăn ngủ và tắm cho bé thì bé nhà bạn sẽ không có vấn đề gì vói giấc ngủ nữa đâu.

Những điều đặc biệt của giấc ngủ trẻ

Trong giai đoạn đầu của giấc ngủ trẻ ngủ không sâu (giấc ngủ ban đầu): trẻ phản ứng nhạy với các tác động của môi trường xung quanh: giọng nói, tiếng động, nóng, lạnh – tất cả các vấn đề đó đều có thể làm cho bé tỉnh dậy và gọi mẹ. Giấc ngủ "ban đầu" không chỉ thực hiện chức năng bảo vệ. Trong quãng thời điểm này bé vẫn thấy các hình ảnh thị giác, có nghĩa là bé vẫn cảm nhận được thế giới xung quanh và việc này kích thích sự phát triển trí não.

Giấc ngủ "ban đầu" kéo dài 20-30 phút và sau đó chuyển sang ngủ sâu mà nó sẽ kéo dài độ vài tiếng. Trong quãng thời gian này bé sẽ không phản ứng với sự thay đổi của xung quanh cũng như bên trong cơ thể.

Giấc ngủ sâu của bé thường sẽ ngắn hơn so với ngưòi lớn. Trong quãng thời gian này các cơ quan nghỉ ngơi hoàn toàn. Điều này rất quan trọng với bé vì cả ngày bé tiêu tốn rất nhiều năng lượng hoạt động chân tay và trí óc, giấc ngủ giúp bé giải toả căng thẳng và khôi phục lại sức lực. Chính trong những lúc ngủ này sản sinh nhiều hoóc môn chiều cao.

Tại sao cứ phải mẹ?

Hơn ai hết, mẹ có thể dễ dàng ru bé vào giấc ngủ bởi khi ở trong vòng tay của mẹ bé thấy vững tâm và dễ chịu. Mẹ có thể cảm nhận những mong muốn của bé và ảnh hưởng tâm trạng đến bé.... Giữa mẹ và bé có một sợi dây liên lạc vô hình và đó là một chân lí chứ không phải là một điều thần bí. Vậy các mẹ đừng tiếc thời gian chăm sóc bé, có thể cả ngày giao bé cho bà nội bà ngoại hay người giúp việc vì mẹ bận đi làm những việc ru bé ngủ mỗi tối thì mẹ nhất định nên làm.

Giọng nói ngọt ngào của mẹ

Bé yêu giọng nói của mẹ.  Bé đã nghe  thấy những âm thanh trầm bổng của mẹ từ khi còn ở trong bụng và bây giờ khi đã chào đời bé trở thành fan hâm mộ giọng nói đó! Khi bạn nói hoặc hát bé sẽ thưởng thức âm thanh yêu thương và bé sẽ cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Chính vì vậy hãy thường xuyên hơn kể chuyện, đọc thơ, hát ru cho bé ...

Theo bạn tại sao bé lại thích được mẹ bế trên tay? Vì bé được gần gũi với mẹ, cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể mẹ. Hãy lưu ý có nhiều cách gần gũi với bé: mát xa, tập thể dục, và cả những... nụ hôn nữa. Tắm cho bé – đó cũng là sự giao lưu tuyệt vời. Mát xa nhẹ nhàng trước khi ngủ có thể loại bỏ căng thẳng cho bé và giúp cho sự sản xuất các hoóc môn chiều cao.

Lời khuyên cho mẹ để bé có giấc ngủ no tròn

Hãy luyện cho trẻ ngủ vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Trước khi cho bé ngủ, cần phải thông gió phòng. Nếu bạn sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ ở mức vừa phải: không quá lạnh vào mùa hè, không quá nóng vào mùa đông. Vào những ngày hanh khô nên để thêm chậu nước hoặc khăn tắm to có nhúng nước để làm ẩm không khí.

Giường ngủ cần chắc chắn và ở chỗ có ánh sáng, không có gió lùa, không sát cửa sổ quá và không gần lò sưởi..v..v.

Tốt nhất cho bé nằm đệm cứng, làm từ chất liệu cotton thoáng khí, hút mồ hôi.

Bé ngoài một tuổi sẽ thích hợp dùng gối nhỏ. Hãy chọn mua cho bé một chiếc gói nhỏ vừa khít vào khoảng trống giữa vai cổ và đầu, giúp nâng đầu lên một chút nhưng không làm cong lệch phần cổ bé. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên dùng gối.

Nên dùng chăn mỏng cho bé bằng vải cotton, len... và không nên đắp cho bé kín từ đầu, chỉ đắp chăn ngang ngực, kẹp vào dưới hai cánh tay bé. 

Quần áo, tã giấy phải rộng rãi không nên quấn chặt  và ôm sát bé làm bé khó chịu khi ngủ.

Để chuẩn bị cho bé giấc ngủ sâu hãy sử dụng các phương pháp: mát xa, nhạc êm dịu, bài tập nhẹ nhàng và trò chơi thư giãn. Với những bé lớn hơn hãy dành ít thời gian, đọc khẽ những vần thơ hoặc bài hát ru trước khi đặt bé xuống giường

 

Theo Mẹ & Bé

people like INLOOK.VN fanpage