Bạn đang ở đây

Phòng khám Trung Quốc: Giá thuốc trên trời

Bệnh nhân viêm xoang, phẫu thuật cắt trĩ, polip mũi, viêm họng hạt... đều được “điều trị” cùng một kiểu: sau phẫu thuật là truyền dịch, chiếu tia hồng ngoại.

Giá dịch truyền “trên trời” 300.000 đồng/chai natri clorid 250ml, glucose 5% vốn được niêm yết chỉ 8.800 đồng/chai.

Bệnh nào cũng “truyền - chiếu - xông”

Ngày 8-9, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra phòng khám Việt Hải (đường Giải Phóng, Hà Nội)có sự tham gia khám chữa bệnh của thầy thuốc Trung Quốc, vốn được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, sóng phát thanh lâu nay. Nhiều “bất ngờ” được phát hiện: phòng khám bốc thuốc bỏ vào túi giấy phát cho bệnh nhân, bệnh nhân không rõ tên thuốc được sử dụng, giá thuốc rất cao. Bên cạnh đó, chi phí điều trị trung bình 1,5-2,5 triệu đồng/ngày/bệnh nhân cho các khoản điều trị như truyền dịch (từ 2-5 chai cho bệnh viêm mũi hoặc phẫu thuật trĩ), 15 phút chiếu đèn (tia hồng ngoại) và một chai nước muối 0,9% để súc miệng!

phòng khám trung quốc

Ngày nào chị Thủy cũng lặn lội từ Hưng Yên lên phòng khám để truyền 3 chai dịch và chiếu tia hồng ngoại, trung bình một ngày hết gần 1,5 triệu đồng. Ảnh: Vnexpress

Điều trị bệnh viêm họng hạt tại phòng khám Việt Hải ba ngày nay, chị Đào Thị Nguyệt (40 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam) cho biết chi phí khoảng 15 triệu đồng. Chi phí này bao gồm phí phẫu thuật 4,3 triệu đồng, phí điều trị 1.540.000 đồng/ngày gồm hai chai dịch truyền sodium clorid 0,9%, thêm một chai tương tự để súc họng, 15 phút xông họng bằng khí dung và 10 phút soi đèn (máy chiếu tia hồng ngoại -PV). Riêng chai dịch truyền đem súc họng có giá 200.000 đồng. Ngày 8-9, chị Nguyệt được ra viện, bác sĩ kê cho thêm 8 triệu đồng tiền thuốc mang về uống trong 10 ngày.

Đi hỏi các bệnh nhân điều trị tại Việt Hải, thanh tra Sở Y tế đều nhận được câu trả lời giống hệt nhau về cách điều trị. Anh Nguyễn Hoàng Anh (ở Yên Phong, Bắc Ninh) bị viêm mũi dị ứng cũng đang truyền dịch, trước đó đã chiếu đèn, chi phí 1.540.000 đồng/ngày. Chị Lê Thị Thủy (ở Hưng Yên) bị polip mũi đang nằm chiếu đèn, trước đó mua hai chai súc họng và nước muối rửa mũi (dung dịch natri 0,9% đã bị bóc hết nhãn mác) giá 450.000 đồng.

Ở tầng trên, hàng chục bệnh nhân mới mổ trĩ đang nằm la liệt để... truyền dịch. Ông L.V.N. (ở Thường Tín, Hà Nội) mỗi ngày được chỉ định truyền năm chai, gồm hai chai natri 0,9%, hai chai glucose 5% (giá niêm yết tại phòng khám là 8.800 đồng/chai), một chai Avelox 250ml, mà phí điều trị lên tới 2.500.000 đồng. Trong đó riêng chai Avelox phòng khám thu 1.300.000 đồng, bốn chai dịch truyền giá từ tầng 1 (nhà thuốc) lên tầng 3 của phòng khám đã từ 8.800 đồng đội lên 300.000 đồng/chai. Chưa kể giá niêm yết của Avelox 400mg, 250ml, sản phẩm của Bayer là 530.000 đồng/chai, còn ở phố tân dược trên khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thuốc này chỉ 400.000 đồng/chai...

Mỗi lần thanh tra, sai phạm khác nhau

Chúng tôi gặp bệnh nhân Đ.V.L. (33 tuổi) mới được mổ trĩ ở phòng khám Trung Quốc có tên Maria trên đường Thái Thịnh, anh L. liên tục kêu: sợ lắm, sợ lắm. Rằm tháng 7 vừa qua, ba ngày sau khi mổ trĩ và điều trị với giá 21.600.000 đồng ở phòng khám Maria, anh L. về nhà nghỉ và bị biến chứng chảy máu ồ ạt sau mổ. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, anh L. đã ngã ngất “như cây chuối đổ”.

Trao đổi với chúng tôi ngay sau cuộc thanh tra của Sở Y tế Hà Nội hôm 8-9, ông Bùi Quang Vinh, giám đốc phòng khám Việt Hải, liên tục công nhận có sai sót. Cụ thể, phòng khám thu tiền bệnh nhân quá cao, bóc hết nhãn mác của thuốc cho vào túi riêng là sai quy chế, bệnh nhân không có bệnh án, không rõ y lệnh trong thời gian điều trị cũng là sai sót. Về chuyện giá dịch truyền niêm yết 8.800 đồng nhưng bán cho bệnh nhân giá 300.000 đồng, ông Vinh cho rằng phòng khám đã pha thêm các thuốc điều trị vào chai dịch truyền. Nhưng pha thêm thuốc gì, đơn thuốc ở đâu... thì ông Vinh không trả lời được.

phòng khám TQ

Mỗi chai truyền dịch có giá 300.000, trung bình một bệnh nhân điều trị đến 3 chai. Ảnh: Vnexpress

Cần nói thêm rằng phòng khám Việt Hải, phòng khám Maria và nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc làm việc có sai sót và bị xử phạt trong thời gian qua. Tuy nhiên lần thanh tra sau sai sót phát hiện được lại nhiều hơn lần thanh tra trước!

Theo ông Nguyễn Việt Cường - chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, sai sót thường thấy của các phòng khám này là quảng cáo quá mức, thu giá dịch vụ cao, bóc nhãn mác của thuốc rồi mới cung cấp cho bệnh nhân với giá cao... Nhưng đóng cửa phòng khám vi phạm nhiều lần thì ông Cường cho rằng lại chưa được vì mỗi lần thanh tra, vi phạm phát hiện lại khác! Tuy nhiên đã đến lúc cần mạnh tay hơn với những sai phạm kiểu này.

Có tình trạng cho thuê bằng bác sĩ?

Ông Bùi Quang Vinh cho biết ông được thuê làm giám đốc phòng khám Việt Hải, về nguyên tắc phải có mặt trong giờ phòng khám hoạt động. Nhưng ông Vinh cho rằng vì ông bận nên chỉ có mặt 2/3 thời gian.

Khi tìm kiếm trên Internet cụm từ “thuê bằng bác sĩ”, hàng ngàn kết quả cho thấy có một “chợ” bằng khá xôm tụ trên mạng. Các loại “bằng” bác sĩ được ưa chuộng nhất là bằng bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa mắt... Giá cả thuê bằng chủ yếu là thỏa thuận giữa người thuê và người cho thuê, nhưng có trường hợp một bác sĩ cho thuê bằng 2-3 lần để mở phòng khám ở 2-3 địa phương khác nhau, với giá cho thuê 2-10 triệu đồng/tháng/phòng khám, tùy chuyên khoa, trong đó rẻ nhất là bằng bác sĩ đông y, 2 triệu đồng/tháng.

Theo Lan Anh, Tuổi Trẻ

people like INLOOK.VN fanpage