Ai cũng biết thuốc lá là một trong những sản phẩm độc hại và vô cùng nguy hiểm. Với 5 phút để hút một điếu thuốc, bạn vô tình đã đưa vào cơ thể gần 4.000 hợp chất khác nhau, trong đó có những chất gây nên ung thư.
Cách đây không lâu, một cuộc điều tra với nhãn hiệu thuốc lá nổi tiếng đã phát hiện ra rằng, thuốc lá của hãng này chứa hàm lượng TSNAs (Tobacco-specific nitrosamines) - một chất thúc đẩy quá trình phát triển của tế bào ung thư cao gấp ít nhất 2 lần các loại thuốc lá thường.
Sự kiện này càng làm gia tăng lo ngại của cộng đồng về tác hại nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe. Vậy cụ thể, quá trình gây hại ấy ra sao, cơ thể chúng ta “xử lý” một điếu thuốc lá như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Từ những “thành phần xã hội đen” trong thuốc lá…
Trong thuốc lá có khoảng trên dưới 4.000 hợp chất khác nhau. Bên cạnh chất gây nghiện chính là nicotine, có khoảng ít nhất 10 chất được xếp vào diện “xã hội đen” - chất cực độc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người.
Chất đầu tiên phải kể tới là Amoniac - thành phần quan trọng của phân bón, được sử dụng làm sạch nhà vệ sinh, xử lý nước thải. Trong thuốc lá, Amoniac đóng vai trò làm gia tăng tỷ lệ hấp thụ Nicotine của cơ thể người.
Chưa hết, Asen - một chất có trong thuốc trừ sâu trên cây thuốc lá vẫn còn sót lại chút tàn dư trong mọi điếu thuốc. Để gia tăng tốc độ của Nicotine đi tới não và giữ cho thuốc lá không bị khô, các nhà sản xuất còn thêm vào Propylene Glycol.
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy thành phần của một số kim loại nặng có độc như Cadmium - có trong pin điện hóa, Nickel hay một số sản phẩm phụ từ quá trình đốt thuốc như Benzen (có trong xăng), Formaldehyde - chất dùng để ướp xác, Acetone, Butane…
… tới quá trình xâm nhập của thuốc lá vào cơ thể
Các nhà khoa học phát hiện, thời gian trung bình để hút một điếu thuốc là khoảng 5 phút. Trong vòng 10 giây đầu tiên khi hút thuốc, khói thuốc đi vào khoang miệng, bao phủ một lớp màng nâu lên hàm răng bạn. Những chất khí sinh ra như Formaldehyde và Amoniac ngay lập tức gây báo động trên hệ miễn dịch của cơ thể.
Ngay từ hơi thuốc đầu tiên, cơ thể bạn đã được đặt trong sự báo động.
Khói thuốc xuống tới khi quản, làm giảm hoạt động của các lông mao - vốn có nhiệm vụ quét dọn bụi bẩn hay vi khuẩn xâm nhập. Trong lúc đó, Nicotine thâm nhập vào máu thông qua các mao mạch trong phổi. Chất này nhanh chóng kích thích tuyến thượng thận, làm cơ thể tiết ra hormone adrenaline, hệ quả là gây tăng huyết áp và nhịp tim.
Hàm răng mờ xỉn vì được khói thuốc lá "bao bọc, chở che".
Nicotine tiếp tục xâm nhập trung ương thần kinh, giải phóng tiếp dopamine trong cơ thể, khiến người hút cảm thấy phấn chấn hơn. Tuy nhiên, cùng lúc ấy, Carbon monoxide trong khói thuốc tích tụ dần trong máu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của cơ thể tới cơ quan quan trọng.
Thuốc lá dễ dàng bắt trái tim của bạn phải hoạt động nhanh hơn, nhiều hơn.
Quá trình trên diễn ra lặp đi lặp lại theo từng hơi thuốc. Sau khi hút xong điếu thuốc, lượng dopamine trong não trở về mức bình thường, khiến bạn ngay lập tức có cảm giác thèm thuốc lá một cách tự nhiên. Do đó nếu lặp đi lặp lại việc hút thuốc, bạn sẽ trở thành con nghiện thuốc lá lúc nào không hay.
… và cách cơ thể người chiến đấu chống thuốc lá
Rõ ràng, thuốc lá xâm nhập quá nhanh và tác động nguy hiểm gần như ngay lập tức. Liệu cơ thể chúng ta có cơ chế nào đề phòng một cách tự nhiên không? Thực tế, các nhà khoa học đã kết luận là có.
Song phải mất tới 8 giờ đồng hồ sau khi hút một điếu thuốc, cơ thể con người mới, đào thải hoàn toàn các chất độc xâm nhập cơ thể. Đồng thời, sự phản kháng ấy nhìn chung vô cùng yếu ớt.
Vài giây sau khi bạn hút hơi thuốc đầu tiên, mắt, mũi đều có những phản ứng kích thích như chảy nước. Các lông mao trong khí quản tỏ ra quá yếu ớt và chúng bị giết chết bởi khói thuốc. Hệ quả là cơ thể phản ứng bằng cách ho khan, nhắc nhở bạn rằng, các lông mao đang gặp nguy hiểm.
Khói thuốc lá giết chết các lông mao ở khí quản chỉ trong tích tắc.
Thế nhưng, nếu tiếp tục hút tới điếu thứ hai, thứ ba, số lượng lông mao còn sống sót ít dần và hết hẳn. Khi đó, bạn sẽ không thấy ho nữa. Đó cũng là lý do vì sao người hút thuốc thời gian đầu không cảm nhận được những nguy hại của thói quen xấu này.
Khi những cơn ho không còn xuất hiện, hãy cẩn thận tới sức khỏe của bản thân!
Sâu bên trong cơ thể, phổi gần như không có cách gì chống lại hắc ín có trong khói thuốc. Hắc ín bám vào các phế nang phổi và giết chết các tế bào phổi khỏe mạnh.
Trên thực tế, bất chấp các nhà sản xuất thuốc lá đã sử dụng bộ lọc làm giảm thiểu lượng hắc ín xâm nhập cơ thể, chỉ có 30% trong số chúng được thải ra ngoài không khí, phần còn lại tích tụ trong phổi, lưỡi, vòm họng… Theo thời gian, các giác quan cảm nhận mùi, vị đều có chút thay đổi song người nghiện thuốc không hề nhận ra - đó chính là cách cơ thể cảnh báo chúng ta.
So sánh phổi của người bình thường (trái) với phổi của người hút thuốc lá (phải).
Chưa hết, khi khói thuốc lá xâm nhập vào máu, Carbon monoxide làm giảm khả năng vận chuyển Oxy của máu tới các bộ phận quan trọng. Cơ thể con người phản ứng bằng cách tăng huyết áp, nhịp tim lên 10-25 nhịp mỗi phút.
Điều đó có nghĩa, nếu hút cả ngày, tim bạn phải đập thêm tới 36.000 nhịp so với thông thường. Ngoài ra, bề mặt da thiếu Oxy sẽ sạm màu và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Song, tất cả những cảnh báo trên đều bị con nghiện thuốc lờ đi không biết.
Những vết chân chim ở đuôi mắt cũng là dấu hiệu khuyên bạn nên dừng hút thuốc.
Hậu quả của việc hút thuốc lá có lẽ không cần phải bàn cãi. Bạn có biết, 90% các ca ung thư trên thế giới có liên quan tới thuốc lá. Không sớm thì muộn, bạn sẽ chết trong đau đớn nếu hút thuốc lá. Bởi vậy, hãy dừng lại trước khi quá muộn.
Một số gợi ý cho việc cai thuốc lá: 1. Ấn định ngày bỏ thuốc lá trước một vài tuần, từ từ cắt giảm dần. Tránh đến những nơi mà bạn từng thích hút thuốc. 2. Vào ngày bạn muốn “cai” thuốc lá, giữ cho mình luôn bận rộn. Vứt bỏ hết các gói thuốc lá. 3. Mặc dù một số loại thay thế nicotine như kẹo cao su hoặc miếng dán có thể giúp bạn bỏ thuốc, nhưng bạn vẫn sẽ phải nỗ lực chống lại cơn thèm thuốc lá. 4. Đừng bao giờ tự cho phép mình hút, cho dù chỉ là một điếu. 5. Luôn dặn lòng không bao giờ bỏ cuộc và tìm đến thuốc lá. 6. Tìm kiếm sự giúp đỡ, chẳng hạn như một chương trình cai nghiện thuốc lá, nếu bạn thấy cần thiết. Theo VNAC/Health |