Bạn đang ở đây

Người ta làm gì với một chai nhựa rỗng?

Bạn đang âm thầm nỗ lực và tự nguyện xây dựng một lối sống xanh? Chỉ với những chai nhựa đựng nước uống cực kỳ nhỏ bé bạn cũng có thể làm được những điều tốt đẹp bảo vệ màu xanh của môi trường mình sống. Đây là một vài ví dụ vừa có tính chất chia sẻ vừa là những gợi ý dành cho bạn.

Xây nhà bằng chai nhựa

Hoàn toàn không còn là chuyện đùa! Ở Serbia, ông Tomislav Radovanovic đang sở hữu một căn nhà được dựng bằng những chai nước nhựa bỏ đi. Ý tưởng này đến với ông khi ông đang dạy những học sinh cấp 1 của mình về vật liệu xây dựng. Nếu như nhựa có thể là vật liệu xây dựng thì tại sao chai nước nhựa bỏ đi lại không được dùng theo cách này. Một ý tưởng có thể tiết kiệm cho ông cả gia tài. 

Ông Tomislav bắt đầu xây dựng ngôi nhà chai nhựa của mình từ năm 2001 và ngôi nhà đã hoàn tất với 14.000 chai nhựa. Những nắp chai nhựa được dùng để lát sàn với các hoa văn màu sắc sinh động; phần đế chai uốn lượn được dùng để trang trí trần nhà, tường nhà; thân chai được cán ra thành từng miếng nhựa vuông vức rồi nối lại thành tấm lớn để xây tường hay lát mái. Chai nhựa cũng được giữ nguyên để làm thành tay vịn cầu thang và bancông cùng vài thứ đồ đạc trong nhà. Thậm chí, ông Tomislav còn dùng chai nhựa để làm đường ống nước trong nhà và xây dựng hẳn một đài phun nước ở vườn. Ông Tomislav cho biết sẽ không ngừng trang hoàng và mở rộng căn nhà của mình. Đương nhiên, chỉ bằng những chai nhựa.

Một ngôi nhà tương tự cũng được dựng ở Puerto Iguazu, gần biên giới Argentina và Brazil. Anh Alfredo Santa Cruz đã xây dựng ngôi nhà bằng 1.200 chai nhựa PET và 1.300 hộp carton. Nếu bạn nghĩ là những ngôi nhà chai nhựa không đẹp và sang trọng thì khi ngắm nhìn ngôi nhà của ông Tomislav trên YouTube bạn sẽ phải nghĩ lại.

Những chai nhựa còn làm bừng sáng cuộc sống của nhiều người dân ở châu Mỹ Latinh theo đúng nghĩa đen. Một người Brazil tên là Alfredo Moser đã có ý tưởng làm bóng đèn năng lượng mặt trời từ những chai nhựa bỏ đi. Những bóng đèn này có thể đạt tới công suất của một bóng đèn điện 60W.

Một người Chile tên là Miguel Marchand đã thấy ý tưởng này và nghĩ đến một cộng đồng dân cư trên dãy núi Andes mà anh đã từng sống và làm phim tài liệu. Ở đây, người dân vẫn chưa có điện và lạ nhất là những ngôi nhà trong vùng hiếm khi có cửa sổ. Vậy là những người dân ở đây vẫn sống trong bóng tối kể cả giữa ban ngày. 

Miguel Marchand đi ngựa trên những chặng đường dài đến làng cùng hàng chục chai nhựa cũ. Anh hướng dẫn người dân đổ đầy chai nhựa bằng nước và hai muỗng càphê chlorine rồi gắn lên mái nhà. Chúng sáng trưng không khác gì bóng điện 60W. Những người dân trong làng hoan hỉ với ý tưởng này và lần đầu tiên trong lịch sử, họ có bóng đèn và ánh sáng trong nhà mặc dù làng vẫn chưa có điện.

Ý tưởng này được lan rộng trong nhiều nhà máy ở Brazil vì những khu nhà máy khó lấy được ánh sáng mặt trời. Đồng thời, nhà máy chỉ làm việc ban ngày. Ban đêm, các bóng đèn sẽ tự tắt chả khác nào hệ thống cảm ứng thông minh. Nhiều nước Đông Nam Á cũng đã áp dụng phương pháp này.

Người ta ước tính có khoảng 1,6 tỉ người trên thế giới tức 1/4 dân số thế giới vẫn sống trong những khu vực chưa có điện. Ý tưởng này không chỉ bảo vệ môi trường bằng việc tái chế chai nước cũ, tiết kiệm năng lượng mà còn góp phần mang ánh sáng đến với những người dân này.
 

Radovanovic2-(1).jpg


“Bóng đèn” chai nhựa sáng trưng không khác gì bóng đèn điện 60 Watt.
 

Uống nước và vặn chai

Nếu bạn không thể giữ lại những chai nhựa đó và làm nên điều kỳ diệu như những người này, bạn có thể vứt chúng đi. Nhưng gượm đã, vài phút thôi. Hãy suy nghĩ về cách bỏ chai nước đó đúng cách, thay vì quăng nó cái vèo.

Ở Thái Lan và Nhật Bản, bạn sẽ dễ dàng đọc được trên nhãn mác các chai nước nhựa dấu hiệu khuyên bạn nên vặn chai nhựa rỗng như thể bạn vắt một chiếc khăn mặt. Tại sao? Đây là một ý tưởng trong chiến dịch bảo vệ môi trường của một hãng nước ngọt. Vặn chặt những chai nhựa giúp tiết kiệm diện tích thùng rác và khu chứa rác thải. Đồng thời, việc bạn có thể dễ dàng dùng tay vặn chai nhựa còn giúp nhà sản xuất chứng minh rằng loại nhựa họ dùng để sản xuất chai nhựa là PET (hay PETE, polyethylene terephthalate, nhựa công nghiệp ký hiệu là 1 trên nhãn các chai nước). Loại nhựa này an toàn và có khả năng tái chế cao nhất. Riêng các chai nhựa vặn xoắn này được công bố chỉ đáng 12g nhựa và chứa hàm lượng nhựa thấp hơn các loại chai làm bằng nhựa PET khác tới 40%, đồng nghĩa với việc dễ phân huỷ hơn.

Cũng từ việc vặn xoắn chai nhựa có hàm lượng PET thấp như thế, ở Nhật Bản, thậm chí người ta còn tổ chức sáng tác những tác phẩm tạo hình những chai nhựa. “Các chai nhựa trở nên có cảm xúc, thậm chí mang được ý nghĩa tích cực (nhờ được tạo hình bằng bàn tay người nghệ sĩ)”, trang web Japantrends (xu hướng Nhật) nhận xét.
 

Radovanovic3.jpg

Những “bóng đèn” được gắn trên mái nhà.


Cũng là việc vứt những chai nhựa, người Thuỵ Điển lại có sáng kiến giúp bọn trẻ làm kế hoạch nhỏ. Phần lớn các loại chai nhựa đựng nước ngọt hay lon bia ở Thuỵ Điển đều được niêm yết giá tái chế trên chai. Giá chỉ khoảng 1 – 2 SEK (3.000 – 6.000 đồng). Đây chính là số tiền mà bọn trẻ nhận được nếu tái chế những chai nhựa này. Trong các siêu thị, những máy tái chế tự động được bố trí. Bọn trẻ nô nức thu lượm chai nhựa trong nhà (đặc biệt sau dịp nghỉ lễ hay tiệc tùng) rồi mang ra siêu thị. Các em thả các chai có giá tái chế vào máy. Máy nhận biết chai, tính tiền và in hoá đơn ra cho các em. Các em có thể mang hoá đơn đó ra đổi lấy tiền ở quầy tính tiền hoặc dùng để trừ vào hoá đơn mua hàng trong siêu thị. Bạn đừng bất ngờ nếu anh bạn cùng lớp nhặt lại những chai nhựa sau buổi picnic... bỏ túi và mang về nhà hay bọn trẻ con hàng xóm chạy sang xin chai nhựa nhà bạn. Mỗi lần tái chế, bọn trẻ cũng được một khoản kha khá và nhiều kẹo để ăn.

Vậy đấy, tất cả chỉ bắt đầu bằng một chai nhựa rỗng và những cái đầu đầy ý tưởng.
 

Radovanovic4.jpg

Những chiếc vòng tay xinh xắn.
 

Radovanovic5.jpg

Ngoài ra, chai nhựa còn được tái chế một cách sáng tạo, như những chiếc ví đầy màu sắc này chẳng hạn.

Theo Song Xanh

people like INLOOK.VN fanpage