Bạn đang ở đây

Ngay ngáy lo phòng trộm, cướp ngày giáp tết

Trong khi người lao động đang cố làm cật lực để kiếm tiền tiêu Tết thì bọn trộm cắp cũng hoạt động ráo riết khi Tết Nguyên đán chỉ còn hơn một tháng nữa đã ‘cập bến’.

Sểnh ra là mất

“Chỉ trong vòng 24 giờ, tôi đã 2 lần mất trộm”, chị Lý, 29 tuổi, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, bức xúc cho biết. Chiều tối cách đây 2 ngày, trên đường đi làm về, chị ghé chợ gần nhà mua thức ăn. Đã chọn được rau, trả tiền rồi, chợt nhìn thấy mấy gói nấm, chị bèn cúi xuống chọn. Chọn xong, chị thò tay vào túi xách lấy ví tiền thì cái ví đá không cánh mà bay, còn túi thì bị rạch một đường dài.

“Tôi chưa kịp nói là mất trộm rồi thì bà bán đậu phụ bên cạnh đã mách, bà ấy thấy thằng trộm rạch túi tôi nhưng không dám nói, gần Tết rồi chúng nó lượn kinh lắm. Tôi biết trách ai giờ, đành bỏ nấm lại mà về”, chị Lý kể. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị đi làm, chị thấy đôi bốt da cũng biến đâu mất, cả đôi giày của chồng cũng vậy. Hóa ra từ đêm qua bọn trộm đã khều chúng qua ô vuông ở cổng cắt, vốn được trổ để thò tay khóa cửa, vì đêm qua chị Lý quên cài then trong.

Chị Lý bực tức nói: “Đúng là chó cắn áo rách. Thu nhập đã chẳng ra gì, Tết đến nơi không biết kiếm đâu ra mà sắm, nay lại còn phải mua đồ bị mất nữa”. Ông xã chị thì đùa rằng, kinh tế khó khăn, bọn trộm nó cũng khó khăn theo nên phải tăng cường độ lao động: “Bọn mình đi làm có thưởng Tết, bọn trộm cũng phải kiếm tiền thưởng Tết của chúng nó chứ. Rút kinh nghiệm mà cảnh giác thôi”.

Bà Phạm Thị Lan, nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết gần đây, các anh công an khu vực thường xuyên nhắc nhở bà con cẩn thận cửa nẻo, xe cộ, đề phòng trộm cắp, bởi tuy công an bắt được nhiều vụ trộm nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần cảnh giác của người dân. “Năm nay, mọi người bảo nhau đề phòng nên trộm vía là chưa mất vụ nào, chứ các năm trước, cứ đến Tết là mất cắp nhiều lắm, có tuần 4-5 nhà kêu mất trộm”.

 


Riêng chị Việt Lâm, 26 tuổi, sống ở quận Cầu Giấy, thì tận mắt chứng kiến tên trộm vào khoắng của nhà mình trong cái đêm chồng đi công tác. Lâm kể: “Nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc vì tiếng động. Tôi luôn để đèn ngủ nên nhìn thấy rõ tên trộm đang lục lọi. Tên trộm sau đó cũng quay lại và thấy tôi đang nhìn, hắn chỉ trợn mắt nhìn tôi vẻ đe dọa mà chẳng nói gì, cũng không bỏ chạy. Hăn lục thêm một lát rồi mới đi. Tôi thì sợ bị nó đâm chết như vụ Lê Văn Luyện nên chẳng dám kêu một tiếng”.

Phải vài chục phút sau khi tên trộm đi khỏi, chị Lâm mới dám rời giường đi kiểm tra. Ngoài cái ví trong đựng hơn 4 triệu đồng và mấy tờ 2 USD thì không mất thêm gì, chắc vì tên trộm thấy chủ nhà thức giấc nên cũng không tiện “khuân vác” nặng. Sáng hôm sau, bà hàng xóm đi tập thể dục nhặt được cái ví của chị Lâm bị quẳng ngoài đường, vẫn còn đủ giấy tờ. 

Còn anh Minh Long, nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cảnh báo, không chỉ bọn trộm vặt mà nạn giật đồ cũng đang tăng lên khi thời điểm cuối năm gần kề: “Mới hôm trước, chính mắt tôi trông thấy một vụ giật điện thoại cách đây mấy con phố. Tôi đang đi thì thấy giọng phụ nữ ré lên, nhìn thì thấy ba cô dáng vẻ nhân viên văn phòng, hình như đi ăn trưa về. Họ la lên là bị giật điện thoại. Nhưng khi mọi người kịp nhìn đến kẻ cướp giật đã chạy mất từ lâu”. 

Một người quen của anh Long cách đây mấy hôm cũng bị giật túi xách khi đang đi xe máy trên đường, bên trong có ví đựng giấy tờ và vài triệu đồng. Người phụ nữ này cũng không kịp phản ứng gì trước khi hai tên cướp, cũng đèo nhau trên xe máy, chạy mất hút.

“Nói chung những vụ cướp giật trên đường khó mà tóm được chúng để đòi lại lắm, vì chúng nó hành động quá nhanh, lại còn chủ động, còn nạn nhân thì ú ớ vì bất ngờ”, anh Long nói. 

“Vì vậy nên chỉ có cách cẩn thận thôi, đừng có nghe điện thoại ngoài đường, đừng treo túi xách một cách hớ hênh trên xe, ngay cả khi đi bộ mà đeo túi cũng phải cảnh giác. Đặc biệt chị em đừng đeo lắm nữ trang làm gì, dây chuyền lấp lánh nó giật cho một cái thì mất của chỉ là chuyện nhỏ, nếu ngã ra đường, bị tai nạn thì mất cả Tết”. 

Trộm hoành hành các khu trọ

Kiên cố như nhà dân còn mất trộm, thì các khu trọ của công nhân, sinh viên, lao động ngoại tỉnh… lại càng là “thiên đường” cho bọn trộm hành nghề. Những nơi này đông người thuê trọ, đông người đến chơi, mọi người không biết hết nhau và khách của nhau, nên bọn trộm dễ dàng trà trộn, thậm chí ngang nhiên lấy đồ rồi thong thả đi ra mà không bị bắt. Đó là chưa kể cổng ngõ, cửa phòng trọ không hề chắc chắn, có thể nói chẳng là cái gì so với sự lành nghề của bọn đạo chích.

“Phòng bên cạnh em vừa mất laptop tối qua”, Thùy Dung, sinh viên thuê phòng tại một khu trọ quận Hoàng Mai, cho biết. “Cũng chẳng biết trộm làm sao mà lấy được nữa. Chỉ biết là cô bạn ấy tối đi chơi có một lúc quay về thì laptop đã bốc hơi, cả cái xạc pin điện thoại mà chúng nó cũng tiện tay nhặt đi nốt”.

Thùy Dung kể, em họ của cô, trọ ở khu Phùng Khoang, đang bị mẹ bạn trai ghét bỏ vì cậu này bị mất xe máy khi đến thăm cô ở phòng trọ. Xe được dựng trước sân phòng trọ, phía ngoài còn một cái cổng chung. Lúc ấy, cả 6 phòng trọ ở hai bên cái sân ấy đều có người ở nhà, đều mở cửa và sáng đèn, nghĩa là tên trộm đã dắt cái xe máy đi trong ánh sáng “chói lòa” của hàng chục bóng đèn điện, trước con mắt của mười mấy người.
 


Ảnh minh họa


Trần Trung, sinh viên năm thứ ba, cho biết cậu từng chứng kiến trộm đang dắt đi một chiếc xe máy trong khu trọ của người bạn mà cậu đến chơi: “Lúc đó em đang nói chuyện với mấy cô bạn, mặt ngoảnh ra ngoài sân, thấy một người đang dắt cái xe Airblade ra, cậu ấy còn nhìn em cười nữa, em cũng cười lại. Lát sau nghe phòng bên cạnh kêu mất xe airblade, miêu tả đúng cái xe lúc nãy, cả cái mũ bảo hiểm xanh mà cậu dắt xe kia thong thả đội vào nữa. Lúc đó em mới biết cậu ấy là trộm”. 

Trung đã tưởng kẻ dắt xe lúc trước cũng là một người khách ở khu trọ như cậu, đến chơi và đã đến giờ phải về, vì kẻ đó mặt mũi sáng sủa, ăn mặc lịch sự và dáng điệu rất ung dung, không lấm lét vội vàng như kẻ trộm. Vài người nữa trong khu trọ cũng cho biết có nhìn thấy tên trộm dắt xe nhưng cũng nghĩ như Trung.

Còn chị Thắm, 23 tuổi, trọ cùng mấy người bạn là công nhân may ở khu Lĩnh Nam, đang buồn bã, đau khổ vì số tiền 5 triệu đồng chị dành dụm được và nửa chỉ vàng đã không cánh mà bay. 

“Tôi cất trong hòm sắt, khóa lại hẳn hoi, hòm còn được khóa cố định vào đầu giường, thế mà vẫn mất”, Thắm nói và sụt sịt khóc. “Đó là toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được suốt cả năm đi làm, còn nhẫn vàng là để năm tới mừng cưới chị gái, chị ấy ế mãi mới lấy được chồng. Giờ thì tôi trắng tay rồi”.

Tân cử nhân Nguyễn Nam, người đang cùng 2 người bạn cùng quê cố trụ lại thủ đô trong một căn nhà trọ ở khu Cầu Diễn, giơ cả hai tay lên trời khi nói về tình cảnh của mình: “Chúng nó vét sạch sành sanh, không còn thứ gì, của cả 3 đứa. Tiền, laptop, xe đạp, nồi cơm điện, ấm đun nước, áo khoác…, mất hết, chỉ sau một buổi trưa không có ai ở nhà”. Cả 3 chàng trai trong căn nhà ấy đều chưa có việc làm ổn định, và đang cố kiếm thêm việc làm thời vụ để có tiền tiêu Tết. 

Để phòng trộm, kinh nghiệm của những người sống trong các khu trọ là không để tiền bạc hay tài sản có giá trị trong phòng nếu không có chỗ đựng thực sự an toàn. Tốt nhất là để tiền trong tài khoản, kể cả không có nhiều, còn những tài sản có giá trị thì cho dù bất tiện, nên chịu khó mang theo khi đi vắng.

Theo Xzone
people like INLOOK.VN fanpage