Bạn đang ở đây

Để tránh sai lầm trong giao tiếp

Giao tiếp là một kĩ năng không chỉ quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà nó còn là phương tiện hữu hiệu với công việc cũng như bước đường thành công của mỗi con người. Thực chất, để rèn luyện một kĩ năng giao tiếp tốt là không hề đơn giản, nhất là lời đã nói ra rất khó thu lại. Vậy nên rèn luyện giao tiếp để tránh sai lầm là một cách khiến bạn thành công và thu hút hơn.

1. Luôn nghĩ  kĩ trước khi nói

Sai lầm lớn của chúng ta là lời nói chạy nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ. Rất nhiều người luôn mải mê nói mà không kịp để ý mình nói gì, thậm chí quên luôn những gì mình vừa nói. Trong giao tiếp, việc suy nghĩ cẩn trọng những gì cần phát ngôn là một bước quan trọng. Nó thể hiện sự chín chắn cũng như cách nhìn nhận thấu đáo vấn đề của người nói. Dù là câu nói đùa thì cũng cần chú ý đến việc nghĩ trước khi nói, nhiều khi chính một lời nói mang mục đích vui vẻ, hoàn toàn không có ý xấu, nhưng chỉ cần không cẩn trọng cũng có thể gây tổn thương sâu sắc cho người nghe.

2. Ngôn ngữ cơ thể phù hợp

Khi giao tiếp, việc khoa chân múa tay quá đà sẽ làm người khác khó chịu hơn là chú ý đến bạn. Hơn nữa việc này còn thể hiện bạn là người có cái tôi cá nhân cao và khó lắng nghe ý kiến người khác. Một số hành động cơ thể khác khi nói như bĩu môi dè bỉu, liếc xéo, đá chân, cười khinh khỉnh... cũng làm người nghe “mắc ghét” với bạn. Ngôn ngữ cơ thể là yếu tố quan trọng giúp việc giao tiếp của bạn hiệu quả hơn. Tuy nhiên chỉ với điều kiện bạn biết vận dụng một cách vừa phải, linh hoạt và phù hợp.

3. Tốc độ, âm lượng khi nói

Trong giao tiếp, điều tối kị nhất là nói quá nhanh, quá lớn và ngược lại. Trừ khi bạn bị mắc các vấn đề sức khỏe về giọng nói, còn không hãy tập cho mình thói quen nói vừa phải. Đừng bao giờ nói như quát vào mặt người khác hoặc lí nhí khiến không ai nghe được.  Về tốc độ cũng cần từ tốn, không nên quá hấp tấp hoặc cả ngày chẳng nói được câu nào. Người giao tiếp thông minh là người nói nhỏ nhẹ nhưng có sức truyền đạt lớn, có sự thong thả và ổn định nhằm giữ được cả sự bình tĩnh, khoan thai trong giao tiếp.

4. Biết lắng nghe

Đừng bao giờ chỉ học cách nói, hãy học cách lắng nghe người khác. Ngay cả khi bạn lắng nghe, bạn cũng đã học được cách giao tiếp cho chính mình. Việc lắng nghe còn thể hiện bạn là người lịch sự, tôn trọng và đề cao cuộc nói chuyện, từ đó tạo hứng thú cho người mà bạn đang giao tiếp. Lắng nghe chính là một kĩ năng mà ở đó bạn cũng phải vận dụng ánh mắt, nụ cười, thái độ đối với cả nội dung mà cuộc trò chuyện hướng tới.

5. Tự tin

Tự tin chính là chiếc chìa khóa lớn trong mọi cuộc gặp gỡ. Việc tự tin không chỉ giúp bạn bình tĩnh, thể hiện cá tính và những gì bạn muốn nói mà còn thể hiện được khả năng tối ưu của bạn trong quá trình trò chuyện. Người tự tin không những làm chủ được những tình huống khó nhằn mà còn tạo cho đối phương một sức hấp dẫn mạnh mẽ bằng cả thái độ và lời nói. Để tự tin thì chính bạn phải rèn luyện kiến thức cần có trong buổi trò chuyện, có sự hiểu biết nhất định về vấn đề đang bàn tới. Đồng thời luôn tạo cảm hứng cho người nghe bằng chính ngôn ngữ và cá tính trong con người bạn.

Giao tiếp là quá trình phức tạp mà trong nhiều trường hợp, con người ta mắc phải những sai lầm không thể cứu vãn hoặc để lại trong lòng đối phương những vết thương lớn. Học cách giao tiếp không chỉ là học cách thành công cho bạn mà còn là học cách làm vui vẻ, thoải mái và tránh những đáng tiếc cho những người luôn lắng nghe bạn.

Phương PT/ Inlook.vn

people like INLOOK.VN fanpage