Giống những mẫu xe hàng đầu của Audi, các hệ thống hiển thị và vận hành kỹ thuật số trong dáng vẻ nhỏ gọn...
Xem tiếpBạn đang ở đây
Táo Quân 2013: Sẽ có... Táo Chính Chủ!?
Facebook xuất hiện “Táo Chính Chủ”!
Thời điểm này - gần cuối năm, gõ từ khóa “Táo Quân 2013” trên công cụ tìm kiếm Google đã xuất hiện không ít kết quả, tuy nhiên hầu hết các trang web có từ khóa này đều chỉ mang tính “đón đầu”, còn nội dung thực tế vẫn là các tin tức, video clip đã cũ về Táo Quân 2012 hoặc các năm trước đó.
Vào mạng xã hội Facebook, với từ khóa “Táo Quân” sẽ nhận được ít kết quả hơn nhưng cũng đã xuất hiện những fanpage lập sẵn để đón chờ “Táo Quân 2013” (sẽ công chiếu vào đêm 30 Tết năm nay). Trong đó, có fanpage đăng hình ảnh quen thuộc là buổi họp trên thiên đình, kèm theo đó là dấu triện tròn “Chính chủ” đỏ chót - một kiểu ảnh chế phổ biến khi vấn đề “xe chính chủ” đang nóng bỏng trong toàn xã hội thời gian vừa qua. Cùng với đó là ảnh đại diện có quả táo cắn dở kèm một dấu tròn “Chính chủ” nhỏ hơn, hàm ý đó là… “Táo Chính Chủ”!
Ngoài việc dự liệu sẵn về một câu chuyện “hot” ở Táo Quân 2013 sắp tới (chuyện “chính chủ”), fanpage này còn “ăn theo” sự kiện đêm nhạc K-pop mới đây, tung ra status đầy ẩn ý: “Họ nhà Táo đề xuất Ngọc Hoàng năm nay cho ra đời cả Táo K-pop” v.v.
Trang trên Facebook với hình ảnh "Táo Chính Chủ".
Ngay từ khi ra mắt, chương trình Gặp nhau cuối năm (còn gọi là Táo Quân) đã lập tức giành được cảm tình của hàng triệu khán giả vào thời khắc năm hết Tết đến. Đó là nhờ kịch bản Táo Quân luôn phản ánh sâu cay, sắc sảo các vấn đề nóng hổi trong xã hội thông qua các vai diễn hài cực kỳ đặc sắc, đa phong cách của các nghệ sĩ, đem lại tiếng cười trào lộng, sảng khoái cho khán giả. Nhiều nghệ sĩ – bằng cái duyên rất riêng của mình - gần như đã “đóng đinh” trong tâm trí khán giả với các hình tượng: Ngọc Hoàng – Quốc Khánh, Nam Tào – Xuân Bắc, Bắc Đẩu – Công Lý, Táo Giao thông – Chí Trung, Táo Văn hóa/Thể thao – Tự Long, Táo Kinh tế - Quang Thắng, Táo Y tế - Vân Dung v.v.
Chia sẻ về cách làm Táo Quân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết kịch bản sâu sắc của Táo Quân là sản phẩm sáng tạo của cả tập thể. Để lên khung kịch bản, một nhóm biên tập viên có nhiệm vụ thu thập và nắm bắt chính xác các vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội ở mọi lĩnh vực được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm. Những vấn đề được chọn phải phản ánh được những sự băn khoăn, bức xúc… của người dân đối với cuộc sống, với vấn đề xã hội…
“Sau khi có “chất liệu” kịch bản, chúng tôi phải suy nghĩ về ý tưởng để có thể diễn tả các vấn đề đó một cách hài hòa và sắp xếp vào các mảng đề tài một cách hợp lý nhất, tiêu biểu cho các báo cáo mà các Táo đảm nhiệm. Trên cơ sở ý tưởng này, chúng tôi mới quyết định phân công người viết, dựa trên cơ sở thế mạnh của mỗi người: Người viết kịch bản cho Táo này, Táo kia; người chuyên viết phần kết của chương trình; người đưa ra những chi tiết, những lời thoại”...
Với cách làm này, hoàn toàn có thể khẳng định câu chuyện “xe chính chủ” với hàng loạt phiên bản “chính chủ chế” được phản ánh trên báo chí, trên các mạng xã hội (như ảnh chế, tranh, thơ ca hò vè, truyện cười v.v.) chắc chắn sẽ được đưa vào kịch bản Táo Quân 2013.
Còn nhớ, ở Táo Quân 2012, một điểm nhấn khiến khán giả “cười vỡ bụng” là màn “chém gió” của Táo Thể Thao (Tự Long) mô phỏng hình ảnh các ông bầu bóng đá và nền bóng đá Việt Nam. Hoặc như ở Táo Quân 2011, trường đoạn khiến khán giả cười “chảy nước mắt” chính là khi Bắc Đẩu (Công Lý) bị Táo Kinh tế (Quang Thắng) treo ngược lên cao bằng giá xăng, dầu, điện, vàng, đô la… rồi hạ xuống đột ngột bằng tiền lương – một ẩn dụ đầy sáng tạo về đời sống kinh tế khó khăn mà người dân đã phải trải qua trong năm đó.
“Chí Trung chính chủ” hay mô-típ Táo Idol sẽ lặp lại?
Chuyện “xe chính chủ” thuộc lĩnh vực giao thông nên rất có thể năm nay đó sẽ là phần tấu chính của Táo Giao thông. Vai diễn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục do Chí Trung đảm nhận vì khó có ai diễn hay và duyên như anh. Chia sẻ vào thời điểm trước Tết năm ngoái, Chí Trung cũng tự nhận: “Đúng thật, trong gần 10 năm tham gia Gặp nhau cuối năm, có lúc tôi làm Ngọc Hoàng, lúc làm Táo Cơ chế, Táo Quan chức, nhưng trụ lại lâu nhất là Táo Giao thông. Hỏi tôi nghĩ sao về điều đó thì khó trả lời quá, nói chung tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình. Sự thành công không chỉ thể hiện nỗ lực riêng tôi, mà nó còn là sự hỗ trợ của cả một ê-kíp”.
Cũng trong buổi trò chuyện thú vị này, Chí Trung cười tít mắt trước tin đồn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đến xem anh tập diễn Táo Quân. Anh tâm sự: “Tôi và anh Thăng chơi với nhau từ cách đây vài chục năm. Anh Thăng giống như một người anh của tôi. Trước khi làm Táo Giao thông, tôi từng nói chuyện với anh ấy rằng: “Anh ơi, ngại quá, bọn em làm hài thì phải phê phán, có phê phán điều gì khiến anh không vui mong anh thông cảm cho”. Anh Thăng bảo tôi: Anh em cứ thoải mái mà làm. Nếu mà anh ấy sai, dư luận chẳng buông tha, ngược lại, anh ấy đúng, thì mọi người đều nhìn thấy chứ chẳng đợi chúng tôi phải khen. Tôi hỏi tiếp, có cần phải cho anh xem kịch bản trước? Anh Thăng nói không cần, hãy cứ thoải mái làm. Chuyện chỉ có vậy thôi, hoàn toàn không có chuyện anh ấy đến xem tôi diễn Táo Giao thông”.
Thậm chí, Chí Trung còn dự liệu luôn về khả năng không được diễn Táo Giao thông nữa: “Nếu tôi không còn làm Táo Giao thông lên chầu trời thì có 3 lý do chính sau: Đầu tiên, đường thông hè thoáng nên bản thân tôi không còn giá trị nữa. Thứ 2, giao thông đã chết hẳn trong lòng khán giả, lúc này người dân tham gia giao thông như lẩu băng chuyền hỗn độn. Thứ 3, là có thể do khả năng diễn xuất năm nay không đạt yêu cầu”.
Theo những gì Chí Trung thể hiện ở ít nhất 2 “mùa Táo Quân” 2011 và 2012, khả năng thứ 3 là rất khó xảy ra!
Trường hợp thứ hai có thể xảy ra với câu chuyện “xe chính chủ” ở Táo Quân 2013 chính là “dự liệu” của fanpage nói trên: sẽ có riêng một vai là Táo Chính Chủ! Nếu theo kịch bản này, mô-típ Táo Quân 2011 sẽ được lặp lại
Táo Quân 2011 mô phỏng cuộc thi Vietnam Idol.
Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2011 có tên gọi “Táo Idol” mô phỏng theo chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn nhất năm 2010 là Vietnam Idol. Các Táo vẫn lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng như mọi năm nhưng đồng thời cũng là một thí sinh thi Táo Idol, để tìm ra người xuất sắc nhất, gồm: Táo Giao thông (Chí Trung), Táo Điện lực (Vân Dung), Táo Quy hoạch (Hiệp gà), Táo Kinh tế (Quang Thắng) và Táo Văn hóa (Tự Long). Nhưng đúng vào thời điểm Nam Tào (Xuân Bắc) – Bắc Đẩu (Công Lý) chuẩn bị công bố kết quả, Táo Dân (Thành Trung) lập tức xuất hiện. Trường đoạn Táo Dân chui vào hộp ảo thuật để các Táo còn lại cầm kim đâm xuyên qua mà không hề xây xước trở thành điểm “mở nút thắt” của kịch bản, kết lại buổi chầu thiên đình năm đó. Táo Dân trở thành Táo Idol trong sự đồng thuận 100% của các Táo và thiên đình, nhờ khả năng chịu đựng mọi khó khăn trong cuộc sống và sự lạc quan tin tưởng vào ngày mai.
Trở lại vấn đề “xe chính chủ” thời gian qua, khi chính sách này được phản ánh trên báo chí cũng là lúc ở các trang mạng xã hội bùng nổ một làn sóng dư luận rất lớn; còn trong cuộc sống câu chuyện “xe chính chủ” len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi nóc nhà, mọi bữa cơm... Hiếm có chính sách nào trong năm 2012 nhận được nhiều sự quan tâm, bày tỏ ý kiến của người dân như vậy. Vì thế, khi vào kịch bản Táo Quân 2013, nếu nó “chiếm” riêng một vai Táo cũng là điều hoàn toàn không có gì phải bàn cãi!
Đến đây, bài toán còn lại với đạo diễn Đỗ Thanh Hải và ê-kíp Táo Quân 2013 có lẽ chỉ còn là: Đưa câu chuyện “chính chủ” vào kịch bản theo cách nào mà thôi!
Theo Đức Quân - Giáo dục Việt Nam