Bạn đang ở đây

Nhận diện lại thực trạng văn học trẻ

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII đã khép lại vào ngày 11/9. Bốn ngày ngắn ngủi tất nhiên không đủ để giải quyết những vấn đề từ xã hội đến phương pháp sáng tác, vốn sống, kỹ năng ngôn ngữ, sự đọc, phê bình, thái độ lắng nghe... mà các đại biểu xới lên và tìm cách lý giải, nhưng là dịp để những người quan tâm đến văn chương cùng nhận diện lại thực trạng văn học trẻ.

"Bắt bệnh" nhà văn trẻ

Cây bút phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm thẳng thắn "mổ xẻ" các bạn đồng nghiệp, đồng thế hệ. Theo Đoàn Minh Tâm, một số "thực tế đáng buồn" là lười lao động nghề nghiệp, ngủ quên trên vinh quang hoặc chạy theo thị hiếu đám đông. Cây bút này dẫn chứng: Mặc dù đang ở độ tuổi sung sức nhất của lao động nghề nghiệp (từ 20-40 tuổi) nhưng nhiều cây bút trẻ đã ngại cầm bút, ngại suy nghĩ, ngại một mình đối diện với trang viết.

Vài cây bút trẻ khác sau khi đạt được một số giải thưởng văn học uy tín, được một bộ phận bạn đọc yêu mến... đã xuất hiện tư tưởng tự mãn "nổi tiếng rồi, không cần viết lách nữa". Nhiều cây bút trẻ chỉ chăm chăm viết về những đề tài có tính thời sự nhất thời, dễ biến lẫn vào đám đông. Bên cạnh đó là những căn bệnh khác: Chưa biết phát huy những điểm mạnh của bản thân; khó khăn trong xử lý tư liệu.

Anh nêu một thực tế đáng chia sẻ: "Các cây bút trẻ giờ có nhiều nguồn tìm kiếm tư liệu và quá trình tìm kiếm thuận tiện hơn so với thế hệ đi trước. Tuy nhiên việc xử lý tư liệu chung ngoài đời sống thành những tư liệu riêng mang dấu ấn cá nhân trong tác phẩm lại không hề dễ dàng chút nào".

 

Các cây bút trẻ tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần 8. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).


Cây bút nữ Nhã Thuyên cũng khá trực diện khi chỉ ra những vấn đề mà nhà văn trẻ cần "thanh lý dứt khoát" khi bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp: Đó là đừng đặt ra câu hỏi viết cái gì nữa, hãy trả lời câu hỏi viết như thế nào? Và nhấn mạnh "trí thức đọc của người viết quyết định họ sẽ đi con đường văn chương nào".

Cùng chung nhận định với Nhã Thuyên, nhưng đi sâu vào vấn đề bổ sung kiến thức, dịch giả Nguyễn Vũ Hưng đề nghị các bạn của mình: Nhà văn cần nghiên cứu rộng ra các bộ môn khoa học khác: Triết học, lịch sử, xã hội học, di truyền học, thiên văn...

Các cuộc thảo luận đã khép lại. Hội nghị chắc chắn không giải quyết được các vấn đề của văn học trẻ, nhưng nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Ít nhất các nhà văn trẻ Việt Nam cũng biết được họ đang thiếu cái gì và cần bổ sung cái gì, nhất là cần đọc cái gì".

Điều cần là giữ được lửa đam mê
 
Cây bút 8x Hà Thanh Phúc nhìn nhận thẳng thắn: "Nói ra thì sợ mích lòng nhưng các hội nghị văn chương chủ yếu chỉ là vui, gặp mặt nhau để biết được rằng đây là các bạn văn của mình. Còn "làm nên chuyện" thì không!". Minh chứng nhãn tiền là hội nghị những người viết trẻ được tổ chức tại TPHCM vừa qua - "cuộc tập dượt" cho hội nghị toàn quốc --xem như đã thất bại khi không thu hoạch được điều gì to tát hơn ngoài dư luận lùm xùm quanh khâu tổ chức.
      
Đứng bên lề hội nghị, nhiều cây bút không lấy đó làm buồn phiền. Dẫu rằng không được hòa nhập không khí "hội" để được "đường hoàng chính chính đăng đàn" như các bạn văn khác nhưng với họ, điều quan trọng là sẽ có tác phẩm, chứ không phải được đi dự hội nghị.  Như chia sẻ của tác giả Người đàn bà điên tầng thứ 9 là được "sống với đam mê, cứ viết thôi và không quan tâm đến những chuyện khác và hoàn toàn không kỳ vọng gì từ hội nghị".
 

Di Li - một trong những nhà văn trẻ viết sung sức nhất hiện nay tham dự hội nghị với tư cách khách mời. (Ảnh: Anh Vân)

 

Viết là một quá trình sáng tạo âm thầm, lặng lẽ và cô độc, không phải là sự hòa lẫn vào đám đông. "Trách nhiệm, vinh dự và hạnh phúc của người cầm bút đều nằm ở tác phẩm - hộ chiếu của nhà văn" – nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh bày tỏ quan điểm.
 
Thật vậy, mang danh người viết trẻ, đại diện cho thế hệ mình đăng đàn phát biểu tham luận nhưng nếu bản thân không phải là người cần mẫn, nhiệt huyết với đam mê sáng tạo và thưa vắng tác phẩm thì không dễ gì thuyết phục.
 
Người viết trẻ ngày nay có nhiều điều kiện, phương tiện để thể hiện tác phẩm của mình. Tác phẩm của họ đang được tạo điều kiện tối đa để xuất bản, cả có phép và chưa có phép (thông qua mạng). Tuy nhiên, số đầu sách phát hành mỗi năm của lớp viết văn trẻ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sẽ là khắt khe nếu cứ đòi hỏi người trẻ phải "làm nên chuyện" cho thế hệ mình nhưng điều cần trước nhất là giữ được lửa đam mê với văn chương.
 
Văn chương không là cuộc dạo chơi

 

Có vẻ như hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần này chỉ là dịp tụ hội để "biết mặt nhau" hơn là sẽ kỳ vọng "mùa gặt mới" cho văn học nước nhà từ những cây bút trẻ.

Không chỉ độc giả mà nhiều nhà văn đi trước cũng thấy "sốt ruột" khi nhà văn trẻ bây giờ thưa vắng tác phẩm đủ tạo tiếng vọng sâu lắng cho thế hệ mình nhưng lại thừa những cuốn sách chạy theo trào lưu, trên cái bề nổi chung của nghệ thuật về  "sốc, sex và đồng tính". Hẳn nhiên, cái gọi là "cơm áo, gạo tiền" cũng chi phối một cách đáng kể nhưng theo như nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, đó cũng không phải là lý do chính đáng để thoái thác văn chương. "Văn chương không phải là cuộc dạo chơi. Đó cần là một công việc nghiêm túc, đam mê, nó đòi hỏi đầu tư nhiều về công sức. Sáng tác văn học là kết quả của một quá trình trầm tích kiến thức và cảm" - tác giả Bài học đầu tiên chia sẻ.
 
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh - tác giả tập thơ Rơi ngược, Vang vọng - trăn trở: "Cuộc sống đang ngồn ngộn những bi kịch và linh hoạt mỗi ngày, tác phẩm đuổi theo cuộc sống mà không kịp. Trẻ thơ sẽ như thế nào khi không có một nền triết học và văn chương mang hơi thở của thời đại này để sống và lớn lên? Cô độc, xa lạ với chính mình và cuộc sống xung quanh nhưng đôi khi lại tưởng như biết hết tất cả".
 
Tâm huyết này cần được sự đồng cảm, nhân rộng từ những ngòi bút trẻ nhưng mọi thứ vẫn như trong tình trạng dồn nén đợi chờ một sự bứt phá lớn lao hơn. Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc bày tỏ: "Trách nhiệm của bất kỳ ai được gọi là "người cầm bút" đơn giản là viết, viết một cách tử tế, dốc lòng. Đó trước hết là trách nhiệm với bản thân, lương tâm của chính mình".
 
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh cũng nói trách nhiệm của người viết là ở tư thế hoàn toàn tự nguyện. "Đã yêu thì phải có trách nhiệm, có sinh thì có dưỡng". Và ngọn lửa đó cháy từ trong tim chứ không thể chỉ được thắp sáng le lói từ những cuộc gặp mặt chủ yếu để vui.
 
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh nói rằng điều quan trọng, cần thiết cho sự bứt phá trong văn chương không phải được dự những hội nghị, hội thảo mà là tạo cầu nối giữa nhà văn và bạn đọc. Những cuộc giao lưu, chia sẻ với bạn đọc mới chính là ngọn lửa nồng ấm nhất. Và nhà văn cũng phải tự ý thức điểm đi và điểm đến của mình.

"Cần phải đợi" là ý kiến của nhiều ngư ời trong giới văn chương khi nhìn về thực trạng văn học trẻ hiện nay. Nhưng không phải là kỳ vọng sự "khai sáng" từ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần này!".

Đất hẹp cho nhà văn trẻ

Nhà thơ Vi Thùy Linh - hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam, người đã tham dự liên tiếp 4 kỳ Hội nghị những người viết văn trẻ Việt Nam - có bài viết về thực trạng và tâm huyết của những người cầm bút trẻ, trong đó có chị.

"Vì có tác phẩm khi 15 tuổi nên tôi và các bạn cùng lứa (ít ỏi) còn trụ đến hôm nay, thành những cái tên quen với văn học trẻ đương đại. Tôi bác bỏ kiểu "lên ngôi" do sống lâu. Với nghệ thuật, không thể dùng thâm niên và tuổi tác làm tiêu chí "phân cấp". Tất nhiên, sẽ rất đáng trọng khi các lão tướng vẫn phong độ "gừng càng già càng cay" khiến lớp sau tâm phục khẩu phục về chất lượng tác phẩm đương thời, chứ không phải hào quang "vang bóng một thời".

Việc ban tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần này lấy mốc đại biểu sinh từ năm 1976 trở lại là cách xác định ổn thỏa khi lấy mốc thời gian theo quy luật đời người. "Tam thập nhi lập", qua 30 tuổi là bắt đầu trung niên, dù muốn trẻ lâu, chúng tôi cũng không thể chối bỏ, lảng tránh sự thật ấy.
 

Từ trái sang: Các nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Trần Hoàng Thiên Kim, Vi Thùy Linh, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Quang Sinh và nhà văn Di Li tại Tuyên Quang tối 8/9. (Ảnh: Xuân Thủy)

 

Ở Pháp có một câu châm ngôn: "Với nghệ sĩ, những tác phẩm quan trọng cần xuất hiện lúc trẻ. Nếu đến 35 tuổi không khẳng định được mình thì đừng đeo đuổi nghệ thuật nữa". Nhìn lại lịch sử văn chương thế giới và Việt Nam, nhiều tác giả xuất hiện, bùng nổ từ khi còn rất trẻ, là thanh niên. Tôi không muốn lại dẫn ra những cái tên mà chúng ta đã biết.

Trong khi các nước phát triển coi tài năng phát lộ khi trẻ là báu vật, là hiện tượng được trân quý, đón nhận thì các "nhà" của ta, từ nhà văn "già" đến nhà phê bình luống tuổi luôn coi những vật lộn, quẫy đạp, bứt phá (khác thói quen mãn tính) là "quậy", là "thể nghiệm", triền miên dùng căn cứ tuổi để áp đặt.

Tôi từng trả lời báo chí từ 5 năm trước: "Sự công nhận sòng phẳng của giới nghề chuyên nghiệp là quan trọng để thúc đẩy tiến trình văn học và cảm hứng nghệ sĩ. Các nhà phê bình đích thực thiếu vắng và vờ vĩnh. Họ đòi hỏi chúng tôi phải tạo ra làn sóng mới, vụ mùa bội thu. Song hễ có mầm nào nhú lên, họ lại búa xua "đánh đập" hoặc lờ đi, làm ngơ, mặc cho kẻ đố tài không đọc chỉ nghe hơi rồi chì chiết".

Khó tìm nhân tố kế cận

Nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ tiếp: "Cùng với vô số áp lực mưu sinh, nghĩa vụ đời sống, những cảnh huống ngoài hình sin kể trên, những cây bút trẻ phải thực sự đam mê, xác lập bản lĩnh thì mới chịu đựng vượt nổi búa rìu, bất công, đố kỵ giữa bao lựa chọn cám dỗ của lợi ích và công danh, của yên bình và thông lệ, mấy ai đủ "dại" dấn thân vào “trường văn trận bút” suốt đời?

Tôi đã chờ, chờ mãi, mới chỉ thấy có Trương Quế Chi (sinh năm 1987) đáng để hy vọng. Quế Chi đã tốt nghiệp hai khoa: Báo chí Truyền thông và Điện ảnh tại ĐH Tổng hợp Lyon 2 và sắp theo học thạc sĩ điện ảnh tại ĐH Sorbonne (Pháp). Chi không chọn văn chương  làm nghiệp, dù em viết khá hơn không ít những người có "thẻ" lại thiếu tư duy chuyên nghiệp. Điều quan trọng phân biệt nghệ sĩ thực thụ với một tay amateur (không chuyên) là ý thức lao động: Phải sáng tạo tác phẩm mang tính nghệ thuật.

Nhiệm vụ tối thượng của nhà văn, nhà thơ là phải làm giàu, đẹp ngôn ngữ mẹ đẻ. Tiếng Việt phải trở thành sinh ngữ trong tay nhà văn, thi sĩ. Cứ tả cảnh, miêu tả trần thuật cuộc sống bằng khẩu ngữ thông thường thì không cần nhà văn, nhà thơ nữa. Nếu nói văn học là cuộc sống, cũng không cần văn chương nữa. Không phải báo chí luôn phản ánh các mặt đời sống đa dạng, chi tiết đó sao? Văn chương, thi ca đích thực phải cao hơn hiện thực, đi sâu vào tâm hồn con người, nâng cao nó bằng ngôn ngữ, hình ảnh được tác tạo.

Tất cả nỗ lực, tâm huyết của tôi, của các bạn tôi, qua 16 năm cầm bút, trải qua và chứng kiến, giờ hao hụt đến ngỡ ngàng. Những người có chút thành tựu đều đang tuổi trung niên. Tìm nhân tố kế cận không dễ. Mỗi kỳ hội nghị, lại hẫng: Cây bút quen hôm nào đã bỏ nghề hoặc ngừng viết, thêm nhiều gương mặt mới. Cứ thế quy luật đào thải nghiệt ngã làm sao?

Đã dấn thân, còn lý trí tính đo được - mất? Không màng danh lợi, dại dột thiệt thòi? Vinh quang, tiếng tăm không do những trò đánh bóng của cơn khát háo danh, nó phải từ những đêm ngày mệt nhoài chắt não.

Hội là hội tụ, là ngày hội. Khi nào hội đủ anh tài, đủ lửa đam mê để thành cuộc "quần anh hội" với những cái tên sáng giá, ưu tú và kiêu hãnh như chúng ta (chứ không phải "dư luận" nào) thực tâm mong mỏi? Có bao kẻ cuồng say và liều lĩnh xả thân vì tình yêu, vì văn chương giữa cõi hiện sinh đang xuống cấp nhiều mặt, thực dụng bủa vây này?"

 

Châu Minh tổng hợp

people like INLOOK.VN fanpage