Bạn đang ở đây

Đọc đi, để... lãng quên Steve Jobs!

Con đường Steve Jobs là một cuốn sách khá chuyên biệt, khi đi sâu vào phân tích những khía cạnh làm nên phong cách lãnh đạo cách tân của Steve Jobs, phù thuỷ ngành công nghệ, biểu tượng của đam mê và sáng tạo.

> Bài hát tưởng nhớ Steve Jobs

 

Nhưng điều thú vị mà cuốn sách mang nhiều hơi hướm "kinh điển" này đem đến lại chính là cảm giác: Cứ đọc đi, để mà... lãng quên Steve Jobs!

Không nghi ngờ gì một tài năng kiệt xuất

Cuốn sách gần như làm cho người đọc cảm nhận rõ nét nhất ở vẻ giản dị và thân thiện trong cách sắp xếp nội dung, nó giúp khắc họa khá rõ ràng và chỉn chu về phong cách làm việc của Steve Jobs. Một phần gây ấn tượng nữa mà cuốn sách xoáy sâu vào, đó là cách Steve Jobs tập hợp nhân tài, tôn vinh và tưởng thưởng những con người thực sự là "tay chơi hạng A".

Một khích lệ lớn lao cho những con người bước vào hàng ngũ "làm hải tặc, không làm hải quân" dưới trướng Steve Jobs, là được khơi gợi và phát huy tối đa con người nghệ sĩ trong họ, ông chia sẻ với họ động lực mạnh mẽ và viễn kiến đầy hấp dẫn - "làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn".

 


Điều ông tập trung xây dựng ở những cộng sự của mình, đó là thứ tình yêu, đam mê với sản phẩm, với công việc mà họ làm hàng ngày, chính tình yêu ấy tạo thành thứ keo gắn chắc chắn và tự nguyện, để mọi "tên cướp biển quậy phá và sáng tạo điên rồ" sẵn sàng chịu sức ép, sẵn sàng đập đi và xây lại, tất cả vì "sự hoàn hảo tuyệt đối".

Chuẩn mực hoàn hảo trong phong cách làm việc và lãnh đạo của Steve Jobs đã được khẳng định, và hơn hết, nó khiến người ta phải say sưa tán tụng. Thế nhưng...

Hãy lãng quên Steve Jobs!

Suy cho cùng, điều gì làm nên một Steve Jobs cực đoan nhưng thuyết phục đến như vậy? Câu trả lời chỉ có một: Đam mê.

Điều đó thể hiện ở khao khát sáng tạo không ngừng nghỉ của Steve Jobs. Tác giả đã có một nhận xét sắc sảo trong cuốn sách: Những lãnh đạo công ty kiểu truyền thống chỉ tìm kiếm "cơ hội tiếp theo cho bản thân" và, nếu cần, là nhảy việc từ nơi này đến nơi khác. Còn với Steve Jobs, "sản phẩm tiếp theo" trước hết mang nghĩa "một sáng tạo mới", và mọi thách thức phải chinh phục, mọi giới hạn bị phá bỏ, chỉ nhằm phục vụ một mục tiêu chung, không phải là "Steve Jobs hoàn hảo hơn" - mà "sản phẩm hoàn hảo nhất".

Đó chính là lý do mà bạn hãy đọc cuốn sách, chỉ để quên đi câu chuyện của Steve Jobs. Ông tự cho mình quyền được chối bỏ những "kinh điển", những quy cách tưởng như đã thành "khuôn vàng thước ngọc", ông tự cho mình quyền mơ ước, tưởng tượng và sáng tạo, và ông thôi thúc những cộng sự của mình ráo riết tạo nên những trải nghiệm công nghệ duy mỹ hơn, phá cách hơn.

 

Con đường Steve Jobs - Lãnh đạo cách tân cho thế hệ mới, tác giả: Jay Elliot và William L. Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà và Trần Thị Kim Cúc, NXB Trẻ ấn hành tháng 11/2011.


Thế giới, cuộc sống này vốn được nối dài bất tận bởi những khám phá mới, những quy tắc được xác lập rồi phá bỏ, những giới hạn được nới thêm và bung ra, và cụ thể, với thị trường, là những sản phẩm đột phá, định nghĩa lại cách nhìn nhận và thói quen của người tiêu dùng.

Nghĩ như vậy, thì tượng đài mang tên Steve Jobs đã được "xây nên" chỉ để đợi chờ được phủ định, bởi những phát kiến mới mẻ, những sáng tạo còn điên rồ hơn nữa, bằng nỗ lực nâng cao hơn nữa cái gọi là "chuẩn mực hoàn hảo". Và điều đó chỉ có thể thực hiện được trong tay những người cũng rừng rực đam mê, miệt mài không ngừng nghỉ với công việc của mình, biết tìm ra một sản phẩm tâm đắc và đặt nó ở vị trí trung tâm trong mọi sáng tạo.

Vậy thì, cứ ngưỡng mộ Steve Jobs, nhưng chớ có rập khuôn, hãy tạm lãng quên ông, để tự tìm cho mình một con đường khác, cho mình một không gian đủ thoáng rộng và tự do, để "tư duy khác biệt"!

 

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage