Bạn đang ở đây

Hoàng Sơn: Sao mình giống kép Tư Bền quá

Ngồi với Hoàng Sơn lúc đã quá trưa, Sài Gòn đổ nắng. Ngồi từ khi quán trên đường Nguyễn Trọng Tuyển còn ăm ắp người, đến khi chia tay đã thưa thớt khách, Hoàng Sơn danh vọng đã thừa, chỉ có những ký ức tuổi thơ là luôn vang vọng lại... Lưu giữ tất cả như để nhắc mình luôn nhớ về một thời khố khó.

1. Hoàng Sơn quê gốc ở Bình Dương, là một tên tuổi trong làng diễn viên tại Sài Gòn, đó là điều không thể phủ nhận. Anh có lối diễn cá tính, phóng khoáng nhưng biết tiết chế hợp lý. Xem Hoàng Sơn diễn nhiều, chưa bao giờ thấy anh diễn cương, kiểu múa may quay cuồng bằng điệu bộ hoặc nói những câu tào lao. Cũng chưa nghe ai nói về hài theo kiểu mô phạm như anh. Ngồi đủ lâu để quý nhau, nói đủ nhiều để hiểu.

Sơn kể, tuổi thơ anh buồn hiu hắt. Cha mất sớm, mẹ một nách nuôi gần mười anh em, anh là con trai út. Sơn một buổi học, một buổi đi làm mướn kiếm thêm tiền phụ gia đình. Suốt những năm đầu trần đội nắng đến lớp, chỉ mong có cái cặp đi học như bạn bè nhưng đôi Iúc, ước mơ là đều gì đó quá sức của mỗi cá nhân.

Tôi bảo nghe anh kể giống như người luôn mơ về một bữa no quá. Anh bảo, no theo nghĩa gì. No theo nghĩa ăn khoai để no hay một bữa phủ phê chất đạm. Thời đó, ai cũng khó khăn như nhau. Chắt bóp những bữa cơm độn khoai, bo bo, củ mì... cũng đủ để dành một bữa cơm toàn phần. Tuy nhiên đâu ai dám đánh đổi những ngày sau chỉ để vui trong thoáng chốc.

Trưa, sau buổi bưng bê đất ở xưởng làm chén, thấy người ta bán dạo khoai lang hay chuối chiên ngoài đường nhỏ, gọi mua một hai cái ngồi nhai đợi đến ca làm chiều. Có thể, đó cũng là một bữa no.

Làm quần quật cả ngày, đến sâm sẩm tối lại cùng anh đi gánh nước mướn. Hai anh em chia nhau cái đòn gánh quẩy đôi thùng nước đầy. Thương Hoàng Sơn nhỏ con, bao giờ người anh kế cũng dành phần nặng về mình. Sơn, mắt hoe hoe đỏ, nói nhớ về ổng thương lắm. Thời nhà mình nghèo khó quá mà, Rồi chưa đến 4 giờ sáng, mẹ đã dậy cùng chị quẩy gánh ra chợ, đi bán tô chén dạo, đắp đổi qua ngày. Đến lúc, con cái được dư dả đôi chút, thì mẹ đã không còn cho mình báo hiếu.

 

Sơn kể, tuổi thơ của anh buồn hiu hắt.


Khốn khó là vậy, nhưng bù lại, Sơn thông minh, học hành rất có kết quả. Năm 1983, người anh kết Sơn rủ anh nộp đơn thi vào Trường Đào tạo cán bộ công anh, Anh đã làm hồ sơ, thì đùng một cái, Trường Cao đẳng Sân khấu nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm ấy có mở khóa tuyển sinh ra ngoài tỉnh. Vậy là, Sơn quay ngoắt lại, nộp đơn xin dự tuyển vào Trường Cao đẳng Sân khấu.

Anh kể, ngày đó trường cho giảng viên về Bình Dương để tuyển sinh. Số lượng thí sinh đăng ký đông đến mức, phải trải qua ba ngày thi ròng rã mới kết thúc vòng sơ loại. Hết vòng một, hàng nghìn thí sinh còn được 100 người, Đến vòng hai, còn hơn 35 người. Vòng cuối cùng, còn lại đúng 10 người. Hoàng Sơn đỗ thủ khoa.

"Vậy mà, hồi đó học đến năm hai thì lứa của anh rụng dần, còn lại vỏn vẹn 5 đứa theo học. Kinh phí do Sở Văn hóa thông tin tỉnh đài thọ. Tỉnh cũng dự tính là sau khi tốt nghiệp, lứa sinh viên như anh sẽ về lại tỉnh phục vụ. Nhưng khi chưa tốt nghiệp thì chính sách đó bị bỏ dở" , anh kể.

2. Sài Gòn, những ngày đầu trong Hoàng Sơn chỉ là đoạn đường từ ký túc xá Trần Hưng Đạo đến Trường Cao đẳng Sân khấu nghệ thuật nằm trên đường Cống Quỳnh.

Giả như, nếu không có sự tình cờ gặp nghệ sĩ Hồng Khắc Đào trong căng tin trường giữa học kỳ I của năm nhất, có khi Hoàng Sơn sẽ không theo nghiệp diễn.

Ngày đó, nghệ sĩ Hồng Khắc Đào làm phó đạo diễn cho bộ phim Bão rừng U Minh, ông phụ trách khâu tuyển chọn diễn viên. Thời chọn diễn viên rất ngộ, ông vào Trường Cao đẳng sân khấu, ngồi căng tin uống cà phê để quan sát dáng dấp của từng sinh viên. Hoàng Sơn nhìn thấy ông, ông chạm mặt Hoàng Sơn. Khoảng hơn giờ sau, ông nhờ giảng viên của trường mời Hoàng Sơn ra khỏi để gặp riêng.

"Có vai diễn trong Bão rừng U Minh đang tuyển nam diễn viên, mai em chạy sang Hãng phim Giải Phóng tham gia thử coi được không?", ông chỉ nói vậy nhưng với Hoàng Sơn, đó là một ngày chậm chạp trôi qua.

Anh nói rằng, mình là thằng nhà quê lên phố, lại mới là sinh viên năm nhất, được mời đi thi chọn diễn viên cho một bộ phim nhựa chiếu rạp thì khủng khiếp lắm. Cũng nên biết rằng, khi ấy, đóng vai quần chúng đi ra đi vào không thoại trong phim nhựa cũng là niềm mơ ước của nhiều sinh viên khác.

 

Hoàng Sơn (lúc trẻ) trong bộ phim Vị đắng tình yêu.


Tờ mờ sáng hôm sau, Hoàng Sơn đã lục đục dậy chuẩn bị, rồi cắm đầu trên xe đạp, đạp một mạch sang Hãng phim Giải Phóng trên đường Lý Chính Thắng. Đến nơi, chưa đến giờ làm việc nên cửa còn đóng im ỉm. Hoàng Sơn gặm bánh mì, thập thò trước cổng chờ đợi...

Hãng phim Giải Phóng có phim trường trong khuôn viên, nên khi cổng vừa mở, thì xe quân trang ra vào nườm nượp để chuẩn bị cho cảnh quay trong phim trường. Hoàng Sơn thấy cảnh đó thì bắt đầu hoảng. Cho đến khi, thấy thêm Lý Huỳnh, Thương Tín, Nguyễn Chánh Tín... đi vào cổng thì cơn hoảng loạn đã quá sức chịu đựng. Anh leo lên xe đạp, đạp một mạch ra chỗ xa đứng đợi. Vừa đứng vừa ngóng.

Vài tiếng sau, anh thấy phó đạo diễn Hồng Khắc Đào bước ra cổng trường quay, dáng vẻ bồn chồn. Mừng rúm, Sơn vừa đạp xe lao về phía ông vừa đưa tay vẫy vẫy, miệng la lớn "Chú Đào ơi, con đây, con đây". "Làm gì giờ này em mới tới? Người ta tuyển chọn xong hết rồi, còn đợi mỗi em thôi", nghệ sĩ Hồng Khắc Đào nói. "Dạ, em tới sớm lắm. Mà nhìn thấy mấy anh nổi tiếng, em hoảng quá nên chạy ra xa đứng chờ thầy", Sơn đáp lí nhí. "Thôi, vô mau, vô mau. Đạo diễn đang đợi", nghệ sĩ Hồng Khắc Đào gắt nhẹ.

Sau màn thi thử, đạo diễn của phim gặp Hoàng Sơn, bắt tay nói: "Nhìn em được được". Có vậy thôi. Đó cũng là dịp anh sắp về quê nghỉ hè.

Hai tuần sau, anh nhận được giấy báo của Hãng phim Giải Phóng mời đi đóng phim. Tin tức ấy nhanh chóng làm chấn động cả một vùng quê nghèo.

Cầm số tiền cát-sê cho vai diễn, nói như anh thì với người ta là không tôi đâu, nhưng với anh là cả một gia. Anh nhớ là số tiền ấy đủ mua một chiếc xe đạp xịn. Đưa hết cho mẹ, mẹ anh khóc.

Sau bộ phim ấy, Sơn tham gia nhiều bộ phim khác. Danh vọng ập đến từ sớm, khi Vị đắng tình yêu trở thành hiện tượng...

Tôi đùa, nói anh chơi guitar hay, hát cũng tốt lại nổi danh từ khi còn là sinh viên, chắc gái bu cũng nhiều, hả. Sơn cười hền hệch nói: "Ôi, nhiều lắm. Nhưng mà thôi, đừng nói chuyện đó, bà xã anh nghe bả buồn".

 

 

Hoàng Sơn trong bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 46 của mình cùng vợ con.


3. Dẫu muốn dẫu không, thì khán gải cũng biết Hoàng Sơn qua những vai diễn hài, tôi nói với anh vậy. Anh trả lời, ừ, thì cũng là cái nghiệp thôi. Nhưng anh đoan chắc là, không có trường lớp nào dạy hài cả đâu. Em mê, thì quan sát rồi đàn anh thương tình chỉ bảo cho em thêm. Trời cho em năng khiếu rồi em trau dồi thêm là vì vậy.

Làng hài Sài Gòn lắm lúc lâm vào tình trạng nhí nhố. Có những show diễn, Hoàng Sơn vừa vào cánh gà để thay bộ đồ diễn, chưa kịp thay xong thì thấy cô nghệ sĩ hài nổi danh đã diễn xong tiết mục của mình. Anh nhìn thấy cảnh đó mà tê tái trong lòng. "Vậy đó, chính từ sự dễ dài này của nghệ sĩ, mà khán giả ngày càng xa sân khấu hài hơn", anh đúc kết.

Thuở mới ra trường, nền giải trí lâm vào tình trạng khó khăn chung. Dẫu có danh tiếng khi còn là sinh viên, nhưng Hoàng Sơn vẫn không đủ ảnh hưởng để thoát ra khỏi sự hắt hiu ấy.

Anh thuê nhà để ở, đêm nào cũng đạp xe rã chân đến tụ điểm chờ suất diễn. Tôi nhớ có lần, anh trả lời phỏng vấn của một tờ báo nhân khi anh đoạt giải "Diễn viên xuất sắc nhất" tại Cánh diều vàng 2010 cho vai diễn Sáu Bé, phim Vịt kêu đồng rằng, nghiệp diễn đến với anh cũng chua, cũng bị bầm dập bởi nạn phe phái, cũng lên bờ xuống ruộng vì bị vài người nổi danh lẳng lặng "dạy dỗ".

Có thời điểm, bi đát đến mức, mẹ anh mỗi lần lên Sài Gòn thăm con, bao giờ cũng mua một tờ vé số chỉ với ước mơ duy nhất: "Trúng số độc đắc, mẹ mua cho Út Mỹ (tên gọi ở nhà của anh - PV) của mẹ cái nhà". Những tờ vé số hy vọng cứ lẵng lẽ... trật lất.

 

Anh quỵ ngã khi đưa tay vuốt mắt mẹ, nghĩ sao mình giống kép Tư Bền quá.


Mãi đế năm 1989, nghệ sĩ Hữu Luân thấy anh khốn khó, thương nên chỉ cho anh xin Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng làm đất diễn. Anh rủ thêm Phước Sang tổ chức liên hoan sân khấu hài tại đây. Làm hú họa, ngờ đâu thắng lớn. Hoàng Sơn trụ vững trên sân khấu và nổi danh cũng từ thời điểm ấy.

Chầm chậm anh kể tiếp. Biết thời điểm nào anh muốn quỵ ngã không? Đó là lúc mẹ anh mất, Nghe tin mẹ anh đã yếu lắm, nhưng anh đang phải phúc khảo vở kịch Mười hai bà mụtại Nhà hát Hòa Bình. Đang phúc khảo, em biết mà, mình đâu thể bỏ hết để chạy về được. Nên vừa phúc khảo xong, anh vội vã chạy về Bình Dương để thăm, nhưng mẹ anh đã mất.

Anh quỵ ngã khi đưa tay vuốt mắt mẹ, nghĩ sao mình giống kép Tư Bền quá. Càng đau hơn, khi chị gái anh cho biết, mẹ mất khi đang anh diễn trong bộ phim Người con báo hiếu... Khi nào cũng vậy, mẹ anh luôn coi tất cả vai diễn mà anh thủ vai.

Nghe anh kể chuyện này, lây cả cái u uất theo. Chuyện đời, lắm khi điềm báo rủi may nào không khiến người ngã quỵ, hả anh Hoàng Sơn?

Có điều, ai cũng phải đứng lên và sống tiếp thôi mà...

 

Bài: Ngô Kinh Luân

Ảnh: Nhân vật cung cấp

people like INLOOK.VN fanpage