Bạn đang ở đây

“Đi khách” là bộ mặt thật của giới người mẫu!?

“Đi khách” không phải là bộ mặt thật của làng mẫu! - đó là khẳng định của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường trong cơn bão bán dâm của giới chân dài.
Ảnh minh họa

Chúng ta đang có một nền thời trang phát triển từng ngày, nhộn nhịp và sôi động với rất nhiều hoạt động để người mẫu trau dồi nghề nghiệp của mình. So với thời gian trước đây, nghề người mẫu bây giờ có nhiều thuận lợi hơn, được công chúng đón nhận hơn trước, và có nhiều sự kiện thời trang lớn nhỏ để nghiêm túc lao động và cống hiến. Dĩ nhiên nghề nghiệp nào cũng có những nỗi vất vả, khó khăn và áp lực riêng. Đặc biệt, đây là công việc liên quan đến cái đẹp, đến sự hào nhoáng và dĩ nhiên nó có không ít cám dỗ, hiểm nguy rình rập.

Chúng ta chưa có nền thời trang thực sự phát triển mạnh mẽ như nước ngoài, nên người mẫu phần nhiều khó theo đuổi nghề nghiệp lâu dài mà phải làm thêm nhiều công việc khác. Từ đó, áp lực của sự nổi tiếng, cạnh tranh lẫn nhau và những cạm bẫy khôn lường đẩy những người trẻ thiếu kinh nghiệm vào một vòng xoáy không lành mạnh, không lo củng cố thực lực mà làm những chuyện phản cảm, thậm chí trái đạo lý và vi phạm pháp luật.
 
Ảnh minh họa
 
Đỗ Mạnh Cường luôn làm việc với những siêu mẫu hàng đầu Việt Nam
 
Nhưng tôi nghĩ đó không phải là bộ mặt duy nhất của nghề người mẫu. Bằng chứng là vẫn có những người lao động miệt mài chăm chỉ, và những gì họ nhận lại được là hoàn toàn xứng đáng. Đây rõ ràng là một nghề nghiệp thú vị, hấp dẫn. Nhưng nếu lựa chọn nó, bạn phải chuẩn bị tâm lý thật kĩ càng. Làm người mẫu vốn đã không dễ, làm người mẫu ở Việt Nam lại càng phải chịu khó rất rất nhiều lần, mới mong sống lâu và bám trụ được với nghề.

Đó là suy nghĩ của tôi và cũng là lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn theo nghề này. Còn chuyện lùm xùm thì giới nào cũng có, thay vì quan tâm đến chúng thì tập trung cho việc của mình sẽ có ích hơn nhiều. 

Người mẫu tự do là không chuyên nghiệp!

- Nhiều người cho rằng chính việc quản lý không chặt chẽ trong thời gian qua, khiến giới người mẫu càng ngày càng phức tạp thậm chí những người có sắc vóc mượn danh người mẫu để “nâng giá”, anh nghĩ sao về điều này?

Đó là một thực tế đáng buồn khi nghề người mẫu thời gian gần đây đã được công chúng ủng hộ nhiều hơn. Nhưng lại có những người xấu, lợi dụng nghề nghiệp đàng hoàng này để làm những việc không tốt, làm ảnh hưởng không ít đến hình ảnh của giới người mẫu.
Ảnh minh họa


Số người mẫu đầu quân về các công ty người mẫu của Việt Nam có lẽ không nhiều, phần vì họ muốn hoạt động tự do, phần vì các công ty đào tạo và quản lí người mẫu cũng chỉ hỗ trợ tối đa chứ không bảo đảm được cho họ chuyện cơm áo gạo tiền. Như vậy người mẫu lại càng phải tự thân vận động mà không trực thuộc sự quản lí của cơ quan nào cả. Từ đó việc nhiều người chẳng có vẻ gì là người mẫu, không có lấy một ngày làm công việc của người mẫu mà vẫn tự nhận mình là người mẫu này kia. Tôi cho đó là một việc không thể chấp nhận được và có lẽ đang là một vấn nạn của nghề người mẫu Việt Nam.

Ở nước ngoài, người mẫu nào muốn có show diễn, có việc làm, đều phải đầu quân vào một công ty quản lí nào đó. Các nhãn hiệu ngại hợp tác với những người mẫu tự do vì đó là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp và không ổn định. Ở Việt Nam thì ngược lại, người nào đẹp đẹp, chân dài một tí, chụp vài ba bộ hình cá nhân tung lên trang cá nhân cũng trở thành người mẫu được. Làm người mẫu như vậy thì dễ quá, chắc ai làm cũng được và người ta càng coi thường nghề nghiệp này, mặc dù chính nó chẳng có gì sai hay đáng bị xem nhẹ cả.
 
Ảnh minh họa

Chắc chắn cần phải có một cơ quan, nghiệp đoàn nào đó chính thức đứng ra để ghi nhận các người mẫu có hoạt động nghề nghiệp thường xuyên và ổn định. Bên cạnh đó phân định rõ các người mẫu trẻ mới vào nghề theo một tiêu chí đánh giá nào đó phù hợp, còn lại không thể bạ ai đi chụp hình cũng là người mẫu, ai xinh xắn một tí cũng gắn mác model.

Có như vậy khi những chuyện lùm xùm xảy ra, người ta mới kết luận được rõ ràng ai tốt ai xấu, chứ không thể cứ vơ đũa cả nắm như vậy được. Làm vậy thì bất công cho những người làm nghề chân chính quá!

Ủng hộ cấp thẻ hành nghề người mẫu

- Có ý kiến cho rằng nên cấp thẻ chứng nhận người mẫu để việc quản lý tốt hơn cũng như khẳng định người mẫu là một nghề chân chính và hoạt động có tổ chức. Ý kiến của anh như thế nào về việc này?
Ảnh minh họa
Tôi rất ủng hộ ý kiến này. Nếu nghề nghiệp nào cũng có chứng chỉ hành nghề, hoặc bằng cấp, giấy chứng nhận hoặc giới thiệu của cơ quan trực thuộc, thì nghề người mẫu vốn đàng hoàng nghiêm túc cũng phải có hệ thống quản lí tương xứng.

Chỉ những người mẫu được cấp thẻ hành nghề mới được gọi là người mẫu, còn những ai không có thì chỉ là những người có sở thích chụp hình không hơn không kém. Đã đến lúc danh xưng người mẫu được đặt đúng vị trí của nó. Hơn nữa, các người mẫu nên trực thuộc một cơ quan quản lí nào đó và cơ quan này sẽ có trách nhiệm với những hoạt động nghề nghiệp của người tham gia. Nếu phát hiện sai phạm sẽ có biện pháp xử lí, chứ không thể mỗi khi có vụ việc lại khuấy ao nước tù lên rồi sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Người mẫu cứ bị mang tiếng xấu còn người làm điều bậy vẫn cứ nhởn nhơ tự nhận mình là người mẫu rồi tiếp tục tái phạm. Còn nếu phát hiện những trường hợp làm chuyện trái pháp luật, có chứng cứ rõ ràng thì phải cấm diễn, truất thẻ hành nghề để răn đe. Muốn có kỉ cương thì phải làm mạnh tay người ta mới biết tự ý thức. Chứ quản lý lỏng lẻo thì hỏi sao giới người mẫu không rối rắm và nhiều chuyện phức tạp đến như vậy.

Tuy nhiên, nói thì dễ, chắc chắn thực hiện sẽ nảy sinh ra nhiều cái khó khăn hơn nữa. Nhưng nếu không làm từ bây giờ thì ngành người mẫu Việt Nam cứ tụt hậu và bị xã hội nhìn nhận một cách lệch lạc.
 
- Cảm ơn những chia sẻ của NTK Đỗ Mạnh Cường, chúc anh luôn thành công với những dự án thời trang của mình!
 
Theo Vnmedia
people like INLOOK.VN fanpage