Bạn đang ở đây

Độc lạ muối kiến vàng đậm đà khó quên

Trứng kiến vàng có thể chế biến thành nhiều món ăn tùy khẩu vị của từng vùng miền.

Người miền núi có món trứng kiến nấu măng sặc. Người Bình Định có món nộm làm bằng trứng kiến vàng xào chín trộn với dưa leo, ớt, bưởi và đài hoa đực của mít thái mỏng. Dân Củ Chi thì đem trứng kiến vàng trộn gỏi đu đủ, gỏi bưởi hay nấu canh chua lá giang ăn với cơm trắng. Ở Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số còn có món canh chua ổ kiến vàng. Cách nấu cũng khá đơn giản, cho nguyên ổ kiến vàng vào nồi canh cá suối đang sôi ùn ục, chất axít trong bụng kiến sẽ hòa với nước canh tạo nên một vị chua tuyệt vời cho nồi canh cá suối........

Kiến có mặt khắp mọi nơi, con vật bé xíu nhưng lại có thành phần dinh dưỡng cao, đạm từ 42-67% và có 28 loại acid amin, ngoài ra nó còn có nhiều sinh tố và khoáng chất. Thời nhà Minh ở Trung Hoa, người ta dùng kiến để bào chế thành những viên thuốc tráng lực như thuốc bổ ngày nay.

Con kiến vàng là loài côn trùng chuyên săn mồi trên tán lá cây cao trong rừng tự nhiên và trong vườn cây ăn quả. Sự có mặt của con kiến vàng đã giúp ích rất nhiều cho người nông dân. Vườn cây ăn quả có kiến vàng sẽ cho trái cây ngon ngọt, sai trái, mọng nước và ít bị sâu bọ hơn. Con kiến vàng có tên gọi khoa học là OECOPHYLLA SMARAGDINA – là một loài thiên địch có lợi cho cây trồng.

Kiến vàng

Cũng như những loài kiến khác, kiến vàng rất chăm chỉ và ... đốt cũng rất đau. Công đoạn khó khăn nhất để thực hiện món Muối kiến vàng là..... bắt kiến. Để có được những tổ kiến với đầy ắp con kiến và trứng kiến vàng, những người thợ đầy kinh nghiệm phải thật cẩn thận đi vào rừng tìm và bắt tổ kiến. Sau khi bắt được kiến, tiếp theo là công đoạn rang sơ kiến và cả trứng kiến vàng trên chảo nóng rồi loại bỏ phần rác và chất dơ (nếu có), từ đó chế biến được thật nhiều món ngon đặc trưng từng vùng miền.

Cái món chấm của đồng bào cũng rất độc đáo. Những người sành ăn và cầu kỳ thì trong nhà bao giờ cũng có một lọ muối kiến của người Gia Rai vùng Ayun Pa, Krông Pa. Đấy là loại kiến rừng khá to, bắt về rồi giã với lá é và một vài loại lá nữa, thế mà thành một thứ chấm thịt tuyệt vời. Tôi đồ chừng rằng đây là sáng kiến của đồng bào trong thời đói muối. Thời ấy đồng bào còn đốt cỏ tranh lấy tro ăn cho có chất mặn. Tôi đã từng nghe ông Núp kể chuyện cả làng ông đã ăn tro hàng tháng trời và sau này thì ông Nguyên Ngọc viết trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên". Măng luộc chấm với tro ăn cả tháng đã cứu cả làng ông qua đận đói để tiếp tục kháng chiến. Thực ra nó không mặn mà chát, chát vẫn gần với mặn hơn là không chát. Đằng này loại kiến này vừa hơi mặn lại còn hơi chua, giải quyết được cả muối lẫn chanh.

Muối kiến vàng

 

Sau này khi giã có thể đồng bào có cho thêm ít muối. Nhà tôi hay trữ món này, chấm thịt nướng thì tuyệt vời. Khi dùng cho thêm một ít tương ớt thì... thôi chả kể nữa kẻo lại phải đi vào bếp bây giờ. Vùng này có món thịt khô cũng độc. Nó được sấy cả tảng, rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh hoặc gác lên giàn bếp. Khi ăn nướng qua than hoặc cồn rồi xé ra, các sợi thịt vẫn đỏ và mềm và ngọt xểu chứ không khô khốc như kiểu thịt khô thông thường khác. Vốn dĩ nó là thịt nai, nhưng sau này hết nai rồi thì người ta chuyển qua thịt bò. Bây giờ món này vẫn là đặc sản không thể quên của vùng Krông Pa. Thịt này chấm với món muối kể trên thì giàng ơi, châu báu mà chi, của cải mà chi, sung sướng mà chi nếu chưa được thưởng thức nó...

Muối kiến mang hương vị đặc trưng riêng vô cùng lạ miệng và hấp dẫn. Trưa hè nóng nực, ăn tô canh rau tập tàn có thêm chút muối kiến vàng có vị chua chua khác lạ của kiến, vị mặn của muối và vị cay hít hà của ớt thì còn gì bằng. Ngoài ra muối kiến vàng còn là bạn của cóc xanh, xoài sống, ổi tươi ......... Muối kiến còn dùng để ăn với cơm nóng, thịt luộc, thịt nướng………và đậm đà nhất là dùng với Bò một nắng hai sương.

Theo Đặc Sản Tây Nguyên

people like INLOOK.VN fanpage