Bạn đang ở đây

THỬ THÁCH BẢN THÂN VỚI PHƯỢT TREKKING

Phượt Trekking là gì ?Trekking là một hình thức du lịch mạo hiểm, phương tiện di chuyển

Phượt Trekking là gì ?

Trekking là một hình thức du lịch mạo hiểm, phương tiện di chuyển duy nhất chính là đôi chân của mình. Những chặng đường đi trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị bất ngờ. Trekking giúp rèn luyện thân thể, có ích cho sức khỏe, thách thức cảm giác được chinh phục và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã. Nhưng đừng nhầm lẫn trekking với leo núi.

Hiểu theo nghĩa đơn giản trekking là đi xuyên rừng và leo lên những ngọn núi hoang sơ, trekking là một hình thức rèn luyện thể lực lẫn ý chí rất hiệu quả. Những khi chân, vai mỏi nhừ, việc quyết định đi tiếp thêm từng chút, từng chút sẽ giúp con người ta mạnh mẽ hơn qua mỗi bước chân. Do vậy, có thể nói trekking còn là hình thức kiểm tra ngưỡng chịu đựng về thể lực và ý chí trong mỗi con người và đó là một trong những yếu tố tạo nên sức hút lớn nhất của môn chơi này. Và chắc chắn bạn, cũng như tất cả những người tham gia đoàn chinh phục, sẽ rất bất ngờ khi thấy cái “ngưỡng” của bản thân hoặc người bên cạnh cao hơn ta vẫn tưởng rất nhiều.

Việc sống trong hoang sơ, không điện, không nước trên mỗi ngọn núi sẽ giúp mỗi người hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống, của những điều bình thường, nhỏ nhặt mà đôi khi trong cuộc sống bận rộn ta đã vô tình quên mất.

Theo anh Lê Bá Công, Vận động viên (VĐV) tham gia chương trình “Chinh phục đỉnh Everest” cho biết: Việc đầu tiên cần làm khi chinh phục bất kỳ ngọn núi nào là phải tìm hiểu lịch sử, quá khứ, các nền văn hóa tại bản địa. Theo anh Công, “Trekking không có nghĩa là cắm cúi đi, mà để chinh phục một ngọn núi bạn cần phải “lắng nghe núi hát, thì thầm”. Đó là do mỗi ngọn núi đều rất linh thiêng với người dân xung quanh. Khi chinh phục những ngọn núi như Fansipan, Kinabalu hay Kilimanjaro, tôi lại khám phá ra những truyền thuyết mới thú vị và đầy huyền bí mà nếu không dấn thân vào thì không thể cảm nhận trọn vẹn được”.

Cũng bởi thế mà trước mỗi chặng chinh phục, HLV Sherap Sherpa luôn nhắc đi nhắc lại với các VĐV: “Hãy tìm hiểu và tỏ ra tôn trọng mọi ngọn núi mình chinh phục. Có tôn trọng núi, thì mới có thể hiểu và tránh được việc nhận những hậu quả khi núi nổi giận”.

Thói quen chung của những tay trekking kỳ cựu khi đến một địa phương là lập tức bắt chuyện với người dân sống dưới chân núi. Đây là những kiến thức cơ bản mà bất kỳ ai muốn dấn thân vào thế giới phiêu lưu, mạo hiểm và khám phá của trekking đều phải nằm lòng. Một ngọn núi xứ nhiệt đới sẽ có những đặc điểm khác với một ngọn núi ôn đới về độ ẩm, nhiệt độ và cả những động – thực vật trên đường đi. Những truyền thuyết lưu truyền trong nhân gian về sự hy sinh, tai nạn bên đường sẽ là những bài học đắt giá cho những người đi sau khi đối mặt với những khúc đường cheo leo, chông chênh… Và ý nghĩa dễ thấy nhất, có biết những truyền thuyết về núi, chúng ta mới có thể có những sự tôn trọng với núi, đồng thời tránh được những hành động vô ý mạo phạm đến người dân bản địa. 

Trekking khác gì so với các hình thức leo núi ?

Có một câu châm ngôn lưu truyền khá rộng rãi trong giới leo núi: “Leo núi dạy con người ta cách kiên nhẫn”.

Trekking tuy không tốn nhiều sức như climbbing, nhưng cũng đòi hỏi sự dẻo dai và kiên trì không nhỏ. Bởi khi leo lên độ cao hàng ngàn mét, không khí càng lúc càng loãng, nhiệt độ càng xuống thấp. Vì thế, nếu bạn nóng vội đi nhanh sẽ nhanh chóng bị kiệt sức do cơ thể không hấp thụ oxy kịp. Việc thiếu oxy (hay còn được gọi là say núi) có thể dẫn đến đau đầu, nôn mửa, mất ngủ, suy nghĩ không liền mạch và không thể duy trì lâu dài các hoạt động của cơ thể.

Do trekking là hình thức giúp con người trở nên thân thiện với nhau hơn nên nếu nóng vội khi leo núi, bạn sẽ mất đi cơ hội tận hưởng hoa, cỏ, cảnh vật xung quanh… Một trong những điều các chuyên gia liên tục nhắc nhở đến mọi thành viên trong đoàn là “hãy mỉm cười, vẫy tay và trò chuyện với tất cả mọi người bạn gặp trên đường. Bởi khi bạn bị nạn, chính họ sẽ là những người cứu bạn”. Cùng nhau đi trên con đường đầy thử thách, con người ta rất dễ xích đến với gần nhau hơn.

Những lưu ý khi di chuyển trên đường

  • Di chuyển theo cự ly để có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp có sự cố, không nên tách ra đi một mình.
  • Uống nước vừa phải, không nên uống quá nhiều dẫn đến chóng mệt mỏi.
  • Nên hạ trại bên cạnh nguồn nước, đốt một đống lửa to và duy trì ngọn lửa suốt đêm.
  • Nghiên cứu bản đồ khu vực, tính toán khoảng cách di chuyển hợp lý để không rơi vào tình huống nguy hiểm. Xem trước dự báo thời tiết. Chuẩn bị giấy giới thiệu nếu khu vực biên giới hoặc khu bảo tồn.

Những vật dụng cần trang bị

  • Lều trại, võng liền mùng (màn), dây dù, tấm trải, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa, nồi niêu, máy định vị GPS, la bàn, bản đồ…
  • Thuốc diệt khuẩn nước, dầu gió, hạ sốt, đau bụng, kháng sinh, bông băng, thuốc đỏ, cồn y tế, kem chống muỗi, vắt, viên C sủi
  • Thức ăn loại dễ bảo quản, nhiều năng lượng như ruốc khô (chà bông), xúc xích, đồ hộp, mỳ tôm, bánh quy, kẹo, sô cô la,
  • Nón rộng vành, hoặc nón có che tai, áo dài tay, quần leo núi chuyên dụng hoặc quần ka ki mỏng, giày leo núi chuyên dụng hoặc giày bộ đội cổ cao, tất (vớ) dày, gậy leo núi, bảo vệ khớp gối, bảo vệ mắc cá chân, áo khoác, áo len giữ ấm, mũ trùm đầu..

(Theo Pasoto)

people like INLOOK.VN fanpage