Giống những mẫu xe hàng đầu của Audi, các hệ thống hiển thị và vận hành kỹ thuật số trong dáng vẻ nhỏ gọn...
Xem tiếpBạn đang ở đây
Mỏi mắt tìm sách hướng dẫn du lịch Việt Nam
Người nước ngoài viết sách du lịch VN
Nổi tiếng nhất hiện nay là cuốn sách hướng dẫn du lịch VN của nhà xuất bản Lonely Planet (trụ sở chính đặt tại Úc), được tái bản bổ sung thông tin mới đã mười lần. Gần đây, Lonely Planet còn xuất bản cuốn sách nội dung chi tiết về du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và một cuốn dạng sổ tay dạy du khách nói chuyện tiếng Việt cơ bản có phiên âm tiếng Việt đi kèm.
Cầm cuốn du lịch Việt Nam của Lonely Planet bằng tiếng Anh trên tay, vợ chồng ông Lorenzi, người Ý, cho biết đã mua sách này trên vỉa hè đường Lê Lợi, cạnh thương xá Tax, giá 80.000 đồng. Theo ông Lorenzi, sách viết rất chi tiết về những điểm đến trong cả nước, từng quán ăn, quán cà phê... mà du khách nước ngoài thường lui tới; hướng dẫn cụ thể khách nên đi lại bằng phương tiện gì; những quy định cấm; phong tục tập quán... dưới góc nhìn của người nước ngoài. Cộng với việc cập nhật thông tin thường xuyên, nên bất cứ du khách nào tới Việt Nam cũng mua sách của Lonely Planet.
Sách hướng dẫn về Việt Nam của Lonely Planet.
Trong vai du khách nước ngoài, chúng tôi hỏi người bán sách trên đường Đồng Khởi (TPHCM) để mua cuốn hướng dẫn du lịch do Việt Nam xuất bản, người này khẳng định không có bất kỳ cuốn sách nào. "Xưa tới giờ bán những cuốn sách này (sách của Lonely Planet - PV), chả ai hỏi sách hướng dẫn của Việt Nam viết cả", người bán trả lời.
Theo các hướng dẫn viên du lịch quốc tế, sách của nước ngoài xuất bản có nội dung rất thực tế, viết bằng nhiều ngôn ngữ, và hữu ích. Chỉ cần một cuốn trên tay, du khách có thể biết được mọi hang cùng ngõ hẻm ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ văn hóa, lịch sử, ẩm thực, con người... Điều đặc biệt, sách do người nước ngoài viết, nhưng chi tiết và chỉ dẫn rõ ràng như chính người dân bản địa. Vì thế, mặc dù những cuốn sách này được sao chép nhiều lần từ bản gốc, chữ nghĩa khá mờ nhưng người nước ngoài vẫn tìm mua.
Lãng phí
Chi phí đầu tư không nhiều nhưng sách hướng dẫn, bưu thiếp, quà lưu niệm... là nguồn thu lớn của ngành du lịch. Không chỉ thế, các sản phẩm này còn góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước. Thế nhưng, tại VN, việc xuất bản sách, bưu thiếp đã bị bỏ quên. Các bưu thiếp du lịch phần lớn có hình ảnh được chụp từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi những chiếc ô tô bạc màu sơn chật nêm khách bên trong và những rọ heo đặt trên mui, những người phụ nữ gồng gánh buôn thúng bán bưng... Lướt qua một lượt những tấm bưu thiếp, có thể nhận ra rằng giữa ngành du lịch và xuất bản không có bất kỳ một sự phối hợp nào.
Ở sân bay quốc tế tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông... đều có những quầy bản đồ du lịch, du khách có thể lấy miễn phí. Nhưng ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tuyệt nhiên không tìm thấy điều này. Trên thực tế, từ năm 2007, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM đã có kế hoạch lắp đặt một ki-ốt cung cấp thông tin du lịch miễn phí. Thế nhưng, cho đến nay, du khách nước ngoài vào Việt Nam vẫn phải tìm mua những tấm bản đồ du lịch bày bán ở ngoài đường.
Trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), ki-ốt du lịch trở thành nơi chứa hàng hóa của người bán rong. Còn ki-ốt ở bên trong thương xá Tax chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các khách sạn, nhà hàng... Tại Hà Nội, từ năm 2006 cũng đã xây dựng 40 ki-ốt thông tin du lịch miễn phí, nhưng do không làm tới nơi tới chốn, các ki-ốt màn hình cảm ứng này hoặc không cập nhật thông tin hoặc hư hỏng không sử dụng được.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM Nguyễn Hữu Thọ cho rằng nên thành lập trung tâm thông tin cho du khách. Nước nào cũng làm trung tâm này để khi xảy ra vấn đề gì khách có nơi tường thuật sự việc, hoặc tìm hiểu thông tin. Thời gian qua, chuyện taxi dù, nạn cướp giật tài sản du khách, bán hàng rong chèo kéo... hoành hành ở TPHCM nhưng không có những phản ứng kịp thời của cơ quan chức năng một phần xuất phát từ nguyên nhân không có trung tâm thông tin.
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark, đơn vị đã đầu tư xuất bản bản đồ du lịch Việt Nam, cho biết mỗi năm Tổng cục Du lịch có dành kinh phí để mua một lượng bản đồ phát miễn phí cho du khách. Nhưng con số không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của gần 5 triệu lượt khách quốc tế. Do đó, ngành du lịch nên khuyến khích doanh nghiệp tham gia xã hội hóa. Thị trường sách du lịch rất lớn bởi khách nội địa ra nước ngoài cũng cần có sách hướng dẫn.
Còn theo các doanh nghiệp lữ hành, trước mắt phải xây dựng được trang web du lịch Việt Nam. Bởi cho tới nay, trong nước vẫn chưa có trang web du lịch nào bài bản, tổng hợp được thông tin hữu ích cho khách.
Theo TNO
Ảnh: Google