Giống những mẫu xe hàng đầu của Audi, các hệ thống hiển thị và vận hành kỹ thuật số trong dáng vẻ nhỏ gọn...
Xem tiếpBạn đang ở đây
“Ông lớn” nước ngoài thâu tóm Tribeco
Như vậy sau tròn 20 năm thành lập và phát triển, Tribeco - một trong những thương hiệu nước giải khát khá quen thuộc với người tiêu dùng TP.HCM - tới đây sẽ biến mất, thay vào đó là cái tên Tribeco Bình Dương, hiện do nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn.
Tham vọng và thất vọng
Trước đó, cuối tháng 6-2012, toàn bộ thành viên Công ty CP Kinh Đô (KDC) trong HĐQT Tribeco đã rút lui, nhường chỗ cho cổ đông lớn nước ngoài Uni-President VN (doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan), với tỉ lệ sở hữu gần 44%, tiếp quản. Và mới đây nhất ngày 14-8, trong thông cáo gửi các cơ quan truyền thông, KDC cho biết việc thoái vốn tại Tribeco chỉ ghi nhận một khoản lợi nhuận tài chính là 1,7 tỉ đồng trong số liệu hợp nhất quý 2-2012 của KDC. Như vậy, sau hơn sáu năm đầu tư vào Tribeco, KDC đã chính thức ra đi và được nhận định là nhân tố chính đưa “con tàu” Tribeco đi chệch hướng.
Bắt đầu tham gia và nắm quyền chi phối Tribeco từ tháng 10-2005, sau khi mua 35,4% vốn cổ phần của Tribeco, Công ty Kinh Đô từng khẳng định tham vọng “đưa Tribeco lên tầm cao mới”.
“Với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, gồm 200 đại lý và hơn 65.000 điểm bán lẻ..., KDC có đầy đủ điều kiện để biến tham vọng này thành hiện thực và chúng tôi cũng kỳ vọng một tương lai tươi sáng hơn cho Tribeco...” - một cựu lãnh đạo Tribeco nói. Tham vọng này đã được cụ thể hóa bằng việc góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy Tribeco Bình Dương (2006) và Tribeco miền Bắc (2007), trong đó Tribeco đều góp 80% vốn cho cả hai dự án, phần còn lại là nhóm KDC.
Tuy nhiên, vị cựu lãnh đạo Tribeco cho rằng do chiến lược sai lầm, hai nhà máy này không những không phát huy hiệu quả mà đẩy Tribeco vào cảnh nợ nần và trượt dài.
Hậu quả là khi Nhà máy Tribeco Bình Dương đưa vào hoạt động cuối năm 2007 với công suất hơn 40 triệu két/năm và tiếp theo là Nhà máy Tribeco miền Bắc vào năm 2008 nhưng sản lượng tiêu thụ của Tribeco ngày càng “teo” lại. Theo số liệu của Tribeco, trong năm 2005 doanh nghiệp này tiêu thụ được khoảng 8,14 triệu két, nhưng từ năm 2007-2010 sản lượng tiêu thụ chỉ xoay quanh con số 6 triệu két/năm.
Trong khi vẫn đang còng lưng trả lãi cho các khoản vốn vay đầu tư các nhà máy, Tribeco lại vung tay đầu tư mua cổ phiếu KDC, Kidos và Sabeco.
Bẫy được giăng...
Sau khi dồn vật lực và nhân lực, đổ vốn đầu tư và đưa người sang điều hành Tribeco nhưng kết quả không như mong đợi, KDC đã chấp nhận rút vốn khỏi doanh nghiệp này. Đây cũng là thời điểm mà cổ đông lớn nước ngoài Uni-President VN thực hiện kế hoạch giành quyền kiểm soát Tribeco, trước khi thâu tóm thương hiệu này.
Tháng 7-2009, khi Tribeco nâng vốn lên hơn 275 tỉ đồng, Uni-President VN đã tăng tỉ lệ sở hữu lên gần 44%, đồng thời đưa người sang tiếp quản các vị trí điều hành của Tribeco, trong khi Kinh Đô chỉ còn nắm hơn 23% tại doanh nghiệp này. Trước đó, vào tháng 7-2008, khi Tribeco Bình Dương tăng vốn lên 200 tỉ đồng, Công ty Tribeco cũng giảm tỉ lệ nắm giữ doanh nghiệp này từ 80% xuống còn 36%, nhường quyền kiểm soát tại Tribeco Bình Dương cho Uni-President VN.
Chỉ còn... vỏ
Và khi Tribeco Bình Dương thua lỗ nặng vào cuối năm 2008, Tribeco sau đó đã dần dần bán hết phần vốn còn lại trong Tribeco Bình Dương cho chính Uni-President VN.
Cần nhấn mạnh rằng sau khi Tribeco Bình Dương đi vào hoạt động, Tribeco đã quyết định đóng cửa hai nhà máy cũ tại TP.HCM (một tại đường Cộng Hòa và một tại Lũy Bán Bích, Tân Bình). Như vậy, với việc giảm tỉ lệ nắm giữ và sau đó là bán hết vốn trong Tribeco Bình Dương, Tribeco Sài Gòn chỉ giữ vai trò là nhà bán hàng, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hàng do Tribeco Bình Dương cung cấp, mà thực chất là của Uni-President VN.
Theo các báo cáo giải trình của Tribeco trong suốt từ năm 2008 đến nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ nhiều năm liền của Tribeco chủ yếu xuất phát từ việc đổ vốn xây dựng hệ thống bán hàng, quảng bá sản phẩm... Trong khi đó, nhà sản xuất là Tribeco Bình Dương, do Uni-President VN nắm quyền chi phối và sở hữu 100% từ năm 2010, giờ đây ung dung hưởng lợi.
Nạn nhân của các “ông lớn” Một chuyên gia kinh tế cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các “ông lớn”, đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President VN. “Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco gắn với “đuôi” Bình Dương, chưa kể còn được hưởng một thị phần đáng kể của sản phẩm này mà không phải tốn một đồng để xây dựng thương hiệu...” - vị chuyên gia này nói. |
Mất vốn sau 4 năm thua lỗ * Năm 1992: Công ty TNHH Tribeco được thành lập với vốn điều lệ 8,5 tỉ đồng. * Năm 2005: Công ty Kinh Đô mua cổ phiếu Tribeco và nắm quyền kiểm soát với tỉ lệ chi phối 35,4% * Năm 2007: Tribeco tăng vốn điều lệ lên hơn 75,4 tỉ đồng, trong đó Kinh Đô còn nắm 23,42% và Uni-President VN tham gia nắm giữ 29,14%. * Năm 2011: tiếp tục lỗ năm thứ tư liên tiếp, với mức lỗ lũy kế hơn 300 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 26 tỉ đồng. * Từ ngày 10-4-2012: cổ phiếu Tribeco hủy niêm yết. |
Theo VNC