Bạn đang ở đây

Mất cân bằng giới tính: lỗi ở ... người giàu

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nước ta hiện thiếu khoảng 139.000 phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành. Trong tương lai, số phụ nữ thiếu hụt có thể còn lớn hơn nhiều.

giới tính

Ảnh minh họa

111,7 bé trai/100 bé gái

Các thống kê cho thấy, tỉ lệ chênh lệch giới ở nước ta đang ngày càng có xu hướng tăng cao, hiện lên đến 111,7 bé trai/100 gái. Điều này một lần nữa lại vừa được gióng lên trong Hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra tại Hà Nội.

Đáng lưu ý, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tình trạng tỉ số giới tính khi sinh chênh lệch cao hiện nay, chủ yếu diễn ra ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế xã hội cao. Trong khi ở nhóm nghèo nhất (chiếm khoảng 20% dân số) tỉ số giới tính khi sinh ở mức bình thường 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái thì ở nhóm có điều kiện sống trung bình, nhóm giàu và nhóm giàu nhất (chiếm khoảng 60% dân số) tình trạng chênh lệch giới rất nặng nề. Cụ thể, tỉ số giới tính khi sinh ở nhóm giàu là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Còn ở nhóm giàu nhất, tỉ lệ này lên tới 111,7 trẻ trai/100 trẻ gái.

Đặc biệt ở lần sinh thứ 3, mất cân bằng giới ở nhóm giàu nhất lên đến 132,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng, trong lần sinh “vượt kế hoạch” này, nhiều người đã cố gắng để có cho bằng được một bé trai. Lo ngại hơn, việc lựa chọn sinh con trai ở nhà giàu, trình độ văn hóa cao đang có dấu hiệu lan dần sang nhóm nghèo theo quy luật lây truyền giá trị xã hội.

Ông Tân cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh nặng nề ở nhóm người có điều kiện sống cao là do:

Thứ nhất, về mặt kinh tế, nhóm này có điều kiện hơn khi tiếp cận với các phương pháp lựa chọn giới tính như: Áp dụng chế độ ăn uống, siêu âm ngày rụng trứng, thụ tinh nhân tạo, lọc rửa tinh trùng, siêu âm chẩn đoán giới tính thai từ sớm...

Thứ hai, họ có áp lực nối dõi tông đường về mặt tài sản. Mặt khác, cũng giống như ở nhiều nước, nhóm dân số có điều kiện khá giả, học vấn cao hơn, thường sinh ít con hơn, vì vậy, trước mỗi quyết định sinh đẻ, họ sẽ thường tìm cách lựa chọn để đẻ được con trai.

giới tính

Ảnh minh họa

Chưa có thuốc "đặc trị"

Thực tế cho thấy, dù pháp lệnh dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm. Rất nhiều người đã lách luật để lựa chọn giới tính thai và phá thai khi xác định thai nhi là nữ.

Mặc dù, Tổng Cục dân số-KHHGĐ đang tích cực triển khai các can thiệp nhằm làm giảm chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh cũng như soạn thảo những chế tài xử phạt nặng hơn đối với vi phạm về lựa chọn giới tính khi sinh, song theo ông Tân, thật khó để khẳng định Việt Nam sẽ thành công ở mức nào.

Thực tế, chưa có nước nào có thể ngay lập tức “phanh” được sự gia tăng của tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Ngay như Hàn Quốc, một trong số ít nước thành công trong việc giảm tỉ lệ giới tính khi sinh thì để có được thành công này, họ cũng mất đến 10 năm, với những chính sách linh hoạt và chế tài rất nghiêm khắc.

Các chuyên gia dân số cho biết, so với nhiều nước trong khu vực, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh và rất khó dự báo xu hướng.

Theo bà Nobuko Horibe, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, toàn châu Á hiện thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh. Khu vực này cũng trở thành điểm nóng về những hành vi, tập tục gây tổn hại cho trẻ em gái đã tồn tại lâu ngày.

Theo Hải Minh (PNVN)

people like INLOOK.VN fanpage